PHÁT TRIỂN DU LỊCH VỚI SỰ LIÊN KẾT TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO HIỆN NAY

line
13 tháng 03 năm 2024

Tóm tắt

            Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển du lịch thì nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định. Những năm vừa qua, Việt Nam đã đào tạo được nguồn nhân lực ngày càng đông đảo, góp phần vào sự phát triển không chỉ của ngành du lịch mà của cả nền kinh tế. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch với những thành tựu và hạn chế là hết sức cần thiết. Đặc biệt, sự tác động của đại dịch Covid-19 không những gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch mà còn đặt ra một số vấn đề trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đòi hỏi du lịch Việt Nam nhìn lại những hạn chế, yếu kém để có hướng đi phù hợp. Trên cơ sở đánh giá chung về nguồn nhân lực du lịch, bài viết đề xuất một số giải pháp về sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch dần hồi phục và phát triển tốt hơn.

Từ khóa: Phát triển du lịch; Liên kết trong đào tạo; Nguồn nhân lực chất lượng cao

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

             Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch. Quan điểm về phát triển du lịch và nguồn nhân lực cho du lịch đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) đã xác định: “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử…”; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 một lần nữa nhấn mạnh: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác…”. Việc xác định vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong sự phát triển của nền kinh tế cho thấy yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực càng bức thiết hơn. Đặc biệt, trước sự tác dộng của đại dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu mới trong chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành du lịch hiện nay.

 

2. NỘ DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Nguồn nhân lực và nguồn nhân lực du lịch

            Nguồn nhân lực là khái niệm được đề cập từ những góc độ khác nhau. Trong lý luận về lực lượng sản xuất, nguồn nhân lực được coi là lực lượng sản xuất hàng đầu, là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự vận động và phát triển của lực lượng sản xuất, quyết định năng suất lao động và sự phát triển, tiến bộ xã hội.

            Có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi bàn về nguồn nhân lực nhưng dù tiếp cận ở góc độ nào thì nguồn nhân lực luôn có vai trò, sức mạnh to lớn và là trung tâm của mọi sự phát triển.

Nguồn nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực du lịch bao gồm những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, có thể chia thành 3 nhóm với những đặc điểm và vai trò khác nhau. Đó là, thứ nhất, lao động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển, tham mưu hoạch định chính sách đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch; thứ hai, lao động trong các doanh nghiệp du lịch. Đây là nhóm có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch như nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch…; thứ ba, lao động làm công tác đào tạo du lịch trong các trường Đại học, Cao đẳng và dạy nghề…Đây là bộ phận có trình độ học vấn, có kiến thức chuyên sâu, có vai trò to lớn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn lực cho hoạt động du lịch. (Lê Anh Tuấn, Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch, 2019, tr5)

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo bài bản, đảm bảo chất lượng. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch ngày càng được chú trọng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, giai đoạn 2011-2017, nguồn nhân lực cho du lịch có mức tăng trưởng bình quân 12,3%, chiếm 2,5% tổng số lao động cả nước (Nguồn Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, 2018). Nguồn nhân lực du lịch ngày càng có vai trò quan trọng vì đây là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

2.2. Đánh giá chung về nguồn nhân lực du lịch

2.2.1. Những thành tựu đạt được:

Du lịch là một trong những ngành được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Những năm vừa qua, bên cạnh các chủ trương chính sách đã ban hành, sự phát triển của ngành du lịch có sự đóng góp rất lớn của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể:

Thứ nhất, đã hình thành được một hệ thống các cơ sở đào tạo từ sơ cấp đến đại học và sau đại học. Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục nghề nghiệp du lịch với “62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, trong đó có 8 trường cao đẳng nghề, 117 trường trung cấp, trong đó có 12 trường trung cấp nghề, 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm có tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch” (Nguyễn Minh Tuệ và cộng sự, 2017, tr 5). Đặc biệt, năng lực của các cơ sở đào tạo ngày càng được nâng cao. Nhiều cơ sở đào tạo đã nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho việc dạy, học và thực hành.

Hiện nay, hầu hết các địa phương, nhất là các thành phố lớn đều có cơ sở đào tạo, bồi dường nghề nghiệp và đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, việc tham gia đào tạo tại chỗ của các doanh nghiệp cũng đã góp phần cung ứng thêm nguồn lực có kỹ năng phục vụ cho hoạt động du lịch. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo đóng góp hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, “khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng” (Thùy Linh, cập nhật ngày 30/11/2017).

Thứ hai, đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng và từng bước được chuẩn hóa. Cả nước hiện có “khoảng 5.000 người tham gia đào tạo về du lịch, trong đó có 2.000 giảng viên, giáo viên; 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (Yến Anh, cập nhật ngày 22/11/2017), trong đó 259 người có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Đội ngũ giảng viên, giáo viên ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học với tác phong làm việc chuyên nghiệp, đã góp phần rất lớn vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.

Thứ ba, hệ thống các ngành nghề đào tạo du lịch ngày càng được chuẩn hóa. Những năm vừa qua đã có nhiều đổi mới trong quy định mã ngành đào tạo. Năm 2017, Bộ Lao động – thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH quy định danh mục ngành/ nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng với hơn 40 ngành nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT quy định danh mục ngành/nghề đào tạo cấp IV trình độ đại học; Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT quy định danh mục ngành đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ và tiến sĩ với 4 ngành trình độ đại học, 2 ngành trình độ thạc sĩ và một ngành trình độ tiến sĩ. Có thể thấy, cơ cấu ngành nghề giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch ngày càng có chuyển biến tích cực theo hướng chuyên nghiệp.

Trên thực tế, cả nước hiện có khoảng 50 ngành nghề du lịch và liên quan đến du lịch được triển khai đào tạo, bao gồm cả chính quy và đào tạo ngắn hạn. Nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, năng động, nhạy bén và tâm huyết với nghề đã góp phần vào sự phát triển du lịch của cả nước. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 16/01/2017). Hoạt động du lịch không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

2.2.2. Những hạn chế

Những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, cụ thể:

Thứ nhất, quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như vai trò của ngành du lịch; ngành nghề đào tạo, cơ cấu nhân lực theo ngành nghề chuyên môn cũng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, quy mô đào tạo chưa đủ cung ứng nhân lực cho du lịch nên hàng năm vẫn thiếu hụt cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng 6,2% /năm giai đoạn 2011-2015 đến hết 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên, lễ tân…) trong ngành du lịch ước cần 620.000 người. Với tốc độ tăng trưởng 7%/ năm trong giai đoạn 2016-2020, con số này lên đến 870.000 người. Đặc biệt, du lịch là ngành được đánh giá có nhu cầu nhân lực cao gấp 2-3 lần so với một số ngành trọng điểm khác. Trên thực tế, mỗi năm hoạt động du lịch cần khoảng 40.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch chỉ cung ứng khoảng 15.000 người. Điều đó cho thấy, nguồn cung ứng nhân lực cho du lịch đang thiếu hụt và thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, nhân lực cho du lịch không những thiếu mà cơ cấu nhân lực cho ngành nghề chuyên môn chưa hợp lý, mất cân đối, ngành thiếu, ngành lại thừa. Đa số người học chỉ tập trung vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân trong khi các vị trí này chỉ chiếm khoảng từ 5-15%, các lớp như buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ… cần đến 70% nhân lực thì ít người theo học.

Trên thực tế, tỷ lệ nhân lực du lịch được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu không những thấp mà còn mất cân đối. Kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ của người lao động còn hạn chế. Theo Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam: Hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%...

Thứ hai, chương trình và đội ngũ tham gia đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu.

Hiện nay, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Thời gian thực tập, thực hành của sinh viên, học viên tại các doanh nghiệp quá ít, khoảng 4 tháng với một khóa học của sinh viên. Vì vậy, sau khi ra trường, người lao động thiếu những ký năng cần thiết để làm được việc. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn nên rất lãng phí. Theo Dự án Nghiên cứu chính sách hợp tác với Quỹ Rosa-Luxemburg của CHLB Đức thì trong số gần 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp được hỏi, có 73% sinh viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp, song có tới 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, 27% không xin được việc vì lí do ngành học không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động…

Đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các cơ sở đào tạo về du lịch phần lớn từ các ngành khác đảm nhận. Bên cạnh một bộ phận được đào tạo đúng chuyên ngành, còn lại chủ yếu tự đào tạo, tự học, tổng hợp từ vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, ngành du lịch đang cần một đội ngũ tham gia đào tạo không những đông đảo mà còn đòi hỏi người dạy phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu.

Thứ ba, cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy nghiên cứu khoa học và thực hành ở nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu. Một số cơ sở diện tích trường lớp hạn hẹp. Số lượng sinh viên/ lớp học quá đông nên việc triển khai phương pháp dạy học tích cực gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở đào tạo chạy theo chỉ tiêu mà không đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, đặc biệt thiếu điều kiện thực hành. Tình trạng dạy “chay”, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành đã tạo sức ép về chi phí lên doanh nghiệp vì phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng…

Thứ tư, các cơ sở đào tạo còn thiếu một chiến lược dài hạn trong công tác đào tạo. Chưa chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành du lich cũng như liên kết hợp tác, chuyển giao công nghệ đào tạo du lịch với các trường đại học danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa được thực hiện tốt nên không những không đáp ứng được về nguồn nhân lực mà còn tạo ra sự lãng phí xã hội rất lớn.

3. Đại dịch Covid-19 và những vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo nhân lực du lịch

3.1. Tác động của đại dịch Covid- 19

Đại dịch Covid- 19 đã tấn công hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Diễn biến phức tạp của Covid- 19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành du lịch- một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, đã bị ảnh hưởng nặng nề và dự báo có thể kéo dài cả sau khi dịch bệnh kết thúc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã cảnh báo dịch bệnh Covid-19 đang lây nhiễm và cướp đi mạng sống của rất nhiều người, tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán. Tại Châu Âu, số người tử vong đã vượt ngưỡng 75.000…(Xem Lê Kim Anh, cập nhật ngày 25/10/20). Đến thời điểm này, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19…Tại Châu Á, dịch bệnh Covid – 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó, Indonesia có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á; Hàn Quốc và Singapore tình trạng tái phát bệnh lại gia tăng; Ấn Độ là một trong những quốc gia đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng...Đại dịch Covid- 19 đã gây ra những thiệt hại lớn về người và toàn cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là thách thức gay gắt cho ngành du lịch.

Đối với Việt Nam, sau nhiều năm liên tục, du lịch đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng thì trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, “việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3/2020 đã khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý II/2020” (xem tinnhanhchungkhoan.vn, cập nhật ngày 25/10/20). Theo Tổng cục Thống kê công bố lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2020 đạt 163.000 lượt, tăng gần 17% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99% so với cùng kỳ năm 2019 (baochinhphu.vn, cập nhật ngày 25/10/20).

Các con số nêu trên cho thấy, ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid- 19. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 6/2020, “đã có 148 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn do dịch sẽ còn tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, số còn lại nghỉ không hưởng lương hoặc hưởng mức lương giảm đến 80%. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất trung bình năm trước 52%, nhiều cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là cơ sở du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế vẫn tiếp tục đóng cửa…” (nbtv.vn, cập nhật ngày 25/10/20).

Như vậy, để vượt qua cơn bão Covid- 19 và thích ứng với tình hình mới, đòi hỏi hoạt động du lịch nói chung, trong đó có việc đào tạo nhân lực du lịch rất cần những điều chỉnh và đổi mới phù hợp.

3.2. Một số vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nhân lực du lịch

Từ những hạn chế đã nêu trên đây, cùng với sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid- 19 đang đặt ra những yêu cầu mới cho ngành du lịch, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đó là:

Thứ nhất, về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo

Về quy mô đào tạo: Hiện nay, quy mô đào tạo chư cung ứng đủ nguồn nhân lực cho du lịch nên hàng năm vẫn thiếu hụt cả số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có cơ sở đào tạo dài hạn và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn nhưng quy mô chưa tương xứng với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, ngành du lịch cần phải có chiến lược trong mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng đề án về quy mô đào tạo; sắp xếp, kiện toàn lại các trường có đào tạo nhân lực cho du lịch theo hướng bền vững và dài hạn. Đặc biêt, từ tác động của đại dịch Covid – 19 đã dẫn đến sự đào thải khắc nghiệt nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại những yếu kém, bất cập để có những điều chỉnh hợp lý và những định hướng lớn trong đào tạo nhân lực du lịch, góp phần thúc đẩy ngành du lịch vượt qua thách thức, không chỉ phục hồi mà còn tạo điều kiện phát triển tốt hơn trong trạng thái bình thường mới.

Về chất lượng đào tạo: Công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực cho du lịch nói riêng cần được đảm bảo theo đúng lộ trình. Việc chuẩn bị các yếu tố như đội ngũ giảng viên, khung chương trình, tài liệu giảng dạy và học tập, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo…phải được đảm bảo bài bản. Có như vậy, việc đào tạo nhân lực cho du lịch mới thực sự chất lượng. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nhân lực du lịch không kịp chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đội ngũ tham gia đào tạo, cơ sở vật chất… nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nguồn nhân lực du lịch không đảm bảo chất lượng nên du lịch Việt Nam tính cạnh tranh còn thấp và đang có làn sóng “xâm chiếm” của nguồn nhân lực từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Thiết nghĩ, cần phải rà soát lại các cơ sở đào tạo không đủ năng lực. Ngoài ra, sự tác động của Covid – 19 vốn đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế nên việc chấn chỉnh các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng sẽ góp phần giảm bớt sự lãng phí xã hội khi người lao động không làm được việc sau khi tuyển dụng, phải đào tạo lại.

Về cơ cấu ngành nghề đào tạo: Sự phát triển có tính bùng nổ của du lịch những năm vừa qua kéo theo sự ra đời ồ ạt của các cơ sở đào tạo. Thực tế đó đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nguồn lao động dôi dư và bổ sung nguồn nhân lực kịp thời cho một ngành kinh tế mang tính tổng hợp như du lịch. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề đào tạo lại mất cân đối, thiếu hợp lý và chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, đẫn đến tình trạng ngành thừa, ngành lại rất thiếu. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế và mang tính thực hành cao; tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội tham gia thực hành, thực tập tại doanh nghiệp du lịch và có chế độ trả công tương xứng. Tăng cường và đa dạng hơn trong đào tạo ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ hiếm, không nên chỉ tập trung đào tạo tiếng Anh.

Thứ hai, Chương trình và đội ngũ tham gia đào tạo

Về chương trình đào tạo: Hiện nay, chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, chương trình đào tạo cần phải gắn với nhu cầu thực tiễn. Chương trình đào tạo cần phải được cập nhật và đổi mới theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành, giảm lý thuyết. Khung chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành du lịch tương ứng với tiêu chuẩn của từng nhóm có vai trò và đặc điểm khác nhau. Chương trình đào tạo cần phải được kiểm định theo chuẩn AUN để các cơ sở đào tạo xây dựng lộ trình phát triển hướng tới các chuẩn mực chung của khu vực và thế giới.

 Hiện nay, trên thực tế đang có ba bộ tiêu chuẩn nghề du lịch. Đó là bộ tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành với tám nghề; bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) do Dự án EU hỗ trợ thực hiện với mười nghề và bộ tiêu chuản nghề tham khảo của ASEAN với sáu nghề. Vì vậy, rất cần sự thống nhất trong chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa và từng bước chuyên nghiệp.

Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid- 19 cũng đặt ra yêu cầu mới trong nội dung, chương trình đào tạo, để người lao động có thể thích ứng nhanh trong điều kiện dịch bênh hiện nay và có thể cả trong tương lai, với tinh thần vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa ổn định và phát triển du lịch.

Về đội ngũ tham gia đào tạo:

Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ tham gia đào tạo. Vì vây, việc xây dựng một đội ngũ giảng viên đúng chuẩn, đủ tầm có thể coi là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch. Giảng viên được tuyển dụng phải đúng chuyên ngành, có năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành thực sự chuyên nghiệp. Đội ngũ giảng viên cần phải được chuẩn hóa, phải đảm bảo trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có phẩm chất đạo đức của một nhà giáo. Những trường hợp tuyển dụng mới, cần được ưu tiên những ứng viên có bằng cấp cao, đúng chuyên ngành, có khả năng ngoại ngữ, tin học từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế.

Việc xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng thực hành không những góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch mà còn có thể khám phá những ý tưởng mới trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Các cơ sở đào tạo cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các giảng viên có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Việc làm này sẽ thôi thúc sự khám phá tìm tòi, tạo tiền đề cho những sản phẩm du lịch ấn tượng, độc đáo, bảo đảm an toàn cho du khách ngay trong mùa dịch và cả hậu Covid- 19.

Hiện nay, việc đào tạo nguồn lực du lịch trình độ đại học và sau đại học chủ yếu là do các trường đại học đa ngành đảm nhận. Vì vậy, việc thành lập Đại học Du lịch hoặc Học viện Du lịch là cần thiết, nhằm đào tạo giảng viên và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch.

Thứ ba, về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học

Trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở giáo dục, dạy nghề nói chung, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nhân lực cho du lịch cần phải đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin đồng bộ. Đây là một trong những điều kiện quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch. Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động day – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ: đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ sở quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp…Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thực hành đi vào chuyên nghiệp; trang bị hạ tầng thông tin để tận dụng công nghệ, bảo đảm an toàn, góp phần thu hút du khách…ở các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch càng là yêu cầu bắt buộc trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Thứ tư, cần liên kết các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo đồng bộ nhằm cung ứng nguồn nhân lực ngày càng đảm bảo chất lượng cho ngành du lịch. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo về du lịch có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Khuyến khích mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo trung cấp nghề du lịch với các doanh nghiệp du lịch liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có uy tín, để người học không những có cơ hội tiếp cận với môi trường dịch vụ du lịch đẳng cấp mà còn có thể được rèn luyện kỹ năng ứng phó linh hoạt trong bối cảnh đại dịch…

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn đạt chuẩn quốc tế để làm giải pháp ứng cứu, chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng… chưa có việc làm hoặc làm việc không phù hợp, chuyển đổi để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực chất lượng quốc tế từ các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Theo các chuyên gia, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay đặc biệt được chú trọng theo hướng toàn diện, “đào tạo nhân lực du lịch phải gắn chặt với thực tiễn; sử dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến, từ xa, đào tạo nâng cao với các kỹ năng thực tế ảo…Từ đó, giúp sinh viên sớm tiếp cận yêu cầu cụ thể của công việc; rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” (Hạnh Nguyên, cập nhật 24/10/2020).

Thứ sáu, đào tạo nguồn nhân lực hậu Covid-19

Hiện nay, đợt dịch thứ tư tái bùng phát đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của du khách, của doanh nghiệp và cả nghành du lịch. Khi đại dịch Covid-19 được khống chế, chắc chắn ngành du lịch sẽ phục hồi rất nhanh sau thời gian dài bị dồn nén. Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn nhân lực lại thiếu trầm trọng khi nhiều người đã chuyển sang công việc khác trong thời gian ngành Du lịch bị đóng băng do đại dịch. Vì vậy, cần tổ chức đào tạo khóa học ngắn ngày, tập trung đào tạo kỹ năng hành nghề cho từng vị trí cụ thể như sale tour, điều hành, tiếp thị…để học viên cóa thể đảm nhiệm được các công việc khác nhau trong công ty lữ hành. Tăng cường liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành du lịch không những nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên mà còn tranh thủ được sự trợ giúp của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ về trang thiết bị, công nghệ…

4. Kết luận

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển du lịch. Trong đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện để phát triển ngành kinh tế mang tính tổng hợp này. Những thành tựu ấn tượng của du lịch thời gian qua, trong đó có đóng góp rất lớn của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để du lịch có những bước phát triển đột phá và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi phải có sự đổi mới, đầu tư nghiêm túc; không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành mà còn có sự quan tâm của toàn xã hội. Những yếu kém về chất lượng đào tạo nhân lực và những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid – 19 đang đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động du lịch. Vì vậy, những yêu cầu và đòi hỏi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực được giải quyết kịp thời, tìm hướng đi phù hợp, sẽ tạo động lực cho du lịch vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục và phát triển tốt hơn trong trạng thái bình thường mới. Có như vậy, du lịch Việt Nam mới có thể nâng cao uy tín, lan tỏa tầm ảnh hưởng trên bản đồ du lịch thế giới mà trước hết là trong khu vực.

 

Tài liệu tham khảo

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT Ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ đại học.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT Ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
  • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trị Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/01/2017.
  • Hạnh Nguyên, cập nhật ngày 24/10/2020. https://baodautu.vn/nguy-co-khung-hoang-nhan-luc-du-lich-d131904.html.
  • Lê Anh Tuấn, Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch, sách Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2019.
  • Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa, (2017) Địa lý du lịch cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục.
  • Lê Kim Anh, cập nhật ngày 25/10/20

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/anh-huong-cua-dich-covid-19-toi-nganh-du-lich-viet-nam-72311.htm

https://nbtv.vn/news/4/7862/nganh-du-lich-chiu-anh-huong-nang-ne-vi-covid-19