Tô Phước Hải

Khoa Quản trị - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)

Email: haitp@ueh.edu.vn

Tác giả liên hệ (Corresponding Author): Phạm Cao Kỳ Đại

Trường Đại học Thành Đông

Email: phamcaokydai69@gmail.com

Tóm tắt

Trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ đang ngày một thâm nhập sâu vào mọi mặt của đời sống nhân loại, từ y tế, giáo dục đến du lịch. Đặc biệt sau hậu Covid-19, du lịch sức khỏe đã trở thành một xu hướng nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết. Du lịch sức khỏe không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mà còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ trị liệu y học cổ truyền đến các liệu pháp hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng các công nghệ số vào du lịch sức khỏe mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới. TP. Hồ Chí Minh, một trong những đô thị lớn và phát triển nhất Việt Nam, đang nắm bắt cơ hội này để phát triển du lịch sức khỏe. Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về sự phát triển của du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số, từ hiện trạng, tác động công nghệ đến các chiến lược và tiềm năng phát triển.

Từ khóa: Du lịch sức khoẻ, phát triển du lịch sức khoẻ, chuyển đổi số

Summary

In the context of digital transformation, technology is increasingly penetrating all aspects of human life, such as healthcare, education, and tourism. Especially after Covid-19, health tourism has become a prominent trend and more necessary than ever. Health tourism not only meets the needs of relaxation but also provides comprehensive health care services, from traditional medicine to modern therapies. In the context of robust digital transformation, applying digital technologies in health tourism opens up many new opportunities and challenges. Ho Chi Minh City, one of the largest and most developed cities in Vietnam, is seizing this opportunity to develop health tourism. This article will detail health tourism development in Ho Chi Minh City in the digital transformation, from the current situation and technological impact to development strategies and potentials.

Keywords: Health tourism, health tourism development, digital transformation

ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch sức khỏe, hay còn được gọi là "wellness tourism", là một loại hình du lịch tập trung vào việc kết hợp giữa nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe (Meikassandra, P. và cộng sự, 2020; Andreu và cộng sự, 2021). Đây là một xu hướng đang ngày càng được ưa chuộng bởi khả năng đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần của con người (He và cộng sự 2023). Trong loại hình du lịch này, du khách không chỉ được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng thoải mái mà còn được trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến (Medina-Muñoz và cộng sự, 2013). Các dịch vụ đi kèm trong du lịch sức khỏe có sự đa dạng và phong phú, từ các liệu pháp spa, yoga, detox, đến các phương pháp trị liệu chuyên sâu và cổ truyền như: châm cứu, bấm huyệt, sử dụng thảo dược. Các hoạt động này không chỉ giúp cải thiện thể chất mà còn giúp tĩnh tâm, giảm stress và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Những liệu pháp này đã chứng minh được hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe tổng thể, giúp người tham gia cảm thấy thư thái, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Việc phát triển du lịch sức khoẻ không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia (Wellness Tourism Association, 2022). Du lịch sức khỏe giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng cường chi tiêu của họ vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực y tế, dịch vụ, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, phát triển du lịch sức khỏe còn giúp nâng tầm thương hiệu của địa phương, thu hút du khách quốc tế, mở rộng thị trường du lịch và phát triển bền vững (Kazakov và cộng sự, 2021).

Chuyển đổi số là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của kinh doanh và cuộc sống, nhằm cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới. Trong ngành du lịch, chuyển đổi số giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường quy trình quản lý và mở rộng thị trường (Ziyadin và cộng sự, 2019). Chuyển đổi số đem đến sự đổi mới trong cách cung cấp, quảng bá và trải nghiệm các dịch vụ du lịch sức khỏe. Công nghệ số giúp cá nhân hóa dịch vụ, tăng cường khả năng cung cấp thông tin và dịch vụ ngay lập tức, và tối ưu hóa quy trình quản lý thông qua dữ liệu (Cheng và cộng sự, 2023).

TP. Hồ Chí Minh có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là các trung tâm y tế và bệnh viện chất lượng quốc tế. Thành phố cũng có một thị trường dịch vụ đa dạng và phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Mặc dù có nhiều tiềm năng, du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh còn gặp nhiều thách thức như: hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đầy đủ, trình độ chuyên môn của nhân lực chưa cao và thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan liên quan. Sự kết hợp giữa du lịch sức khỏe và chuyển đổi số là một xu hướng không thể tránh khỏi và cần thiết trong bối cảnh hiện đại (Tien và cộng sự, 2023). Để tận dụng tối đa tiềm năng từ sự kết hợp này, các bên liên quan cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, nâng cao trình độ và năng lực của nhân lực, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các cơ quan, tổ chức để tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG DU LỊCH SỨC KHỎE TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

TP. Hồ Chí Minh, với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa và y tế hàng đầu của Việt Nam, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sức khỏe. Thành phố không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, mà còn là nơi tập trung nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hàng đầu của cả nước. Theo thống kê, hệ thống y tế của Thành phố bao gồm: 129 bệnh viện; trong đó có 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành, 32 bệnh viện trực thuộc Thành phố, 19 bệnh viện quận/huyện và 66 bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, Thành phố còn có 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức; trong đó, có 4 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú, 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8.000 phòng khám tư nhân; cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm: trung tâm cấp cứu 115 và 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Đặc biệt, 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật và 45 bệnh viện được công nhận là cơ sở đào tạo liên tục (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 2023).

Những cơ sở đó khẳng định, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn phát triển tốt loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế. Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN”. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn Thành phố, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”...

Nhu cầu du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 khi mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống. Du khách trong và ngoài nước đều mong muốn tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giúp họ tái tạo năng lượng và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Theo thống kê, lượng du khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh để tham gia các hoạt động du lịch sức khỏe vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các loại hình du lịch khác, nhưng có xu hướng tăng dần. Các du khách đến bán đảo Cần Giờ và các khu vực ven sông Sài Gòn để tham gia các hoạt động thư giãn, chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều.

Hiện nay, nhiều khu nghỉ dưỡng và spa lớn tại TP. Hồ Chí Minh đang dần tích hợp các dịch vụ du lịch sức khỏe vào sản phẩm của mình. Các liệu pháp spa cao cấp, trị liệu bằng thảo dược, yoga và chế độ ăn uống cân bằng đang trở thành xu hướng chính. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe cũng đang được quan tâm và triển khai (Tien và cộng sự, 2023). Các xu hướng như du lịch chữa bệnh (medical tourism), du lịch spa và cư trú trong các khu nghỉ dưỡng kết hợp với liệu pháp chăm sóc sức khỏe đang dần phổ biến tại TP. Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh còn khá mới mẻ và chưa phát triển toàn diện. Các dịch vụ chủ yếu tập trung vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp, spa và các trung tâm y tế. Các con số thống kê cho thấy, lượng du khách trong và ngoài nước đến TP. Hồ Chí Minh để tham gia các hoạt động du lịch sức khỏe vẫn còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng. Điều này đòi hỏi cần có chiến lược phát triển và quảng bá cụ thể để thúc đẩy ngành này.

TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN DU LỊCH SỨC KHỎE TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành du lịch sức khỏe nói chung và du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ (Ratna và cộng sự, 2024).

Thứ nhất, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Chuyển đổi số cho phép các cơ sở du lịch sức khỏe sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập, phân tích và hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và hành vi của khách hàng (Ziyadin, S., và cộng sự, 2019). Từ đó, các dịch vụ và liệu pháp chăm sóc sức khỏe có thể được cá nhân hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng khách hàng. Ví dụ, một khách hàng có thể nhận được gợi ý về các liệu pháp spa, yoga hoặc các chương trình chăm sóc sức khỏe phù hợp với tình trạng sức khỏe và mục tiêu cá nhân của mình.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Công nghệ số, đặc biệt là Internet vạn vật (IoT) và AI, đang giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong du lịch sức khỏe (Wong và cộng sự (2024). Các thiết bị đeo thông minh có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe của khách hàng, như: nhịp tim, huyết áp, mức độ stress và cung cấp dữ liệu cho các chuyên gia y tế (Cheng và cộng sự, 2023). Điều này giúp các chuyên gia có thể đưa ra các khuyến nghị và liệu pháp chăm sóc sức khỏe chính xác và kịp thời hơn. Ngoài ra, các hệ thống quản lý thông tin y tế điện tử (EMR) giúp lưu trữ và quản lý thông tin y tế của khách hàng một cách hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và an toàn (Bin Illyas Tan, M. I, 2022).

Thứ batối ưu hóa quy trình vận hành. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình vận hành của các doanh nghiệp du lịch sức khỏe. Các công nghệ như Blockchain có thể được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng và thanh toán một cách hiệu quả và an toàn (Onder và cộng sự, 2023). Hệ thống đặt lịch hẹn trực tuyến và các ứng dụng di động giúp khách hàng dễ dàng đặt lịch hẹn, thanh toán và nhận thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng (Cheng và cộng sự, 2023).

Thứ tưmở rộng thị trường và ti ếp cận khách hàng quốc tế. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp du lịch sức khỏe mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách dễ dàng hơn (Dillette và cộng sự, 2021). Các chiến dịch tiếp thị số, từ việc xây dựng website, ứng dụng di động đến việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội và email marketing, giúp quảng bá dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến đông đảo khách hàng tiềm năng trên toàn cầu. Ngoài ra, các công nghệ như dịch vụ phiên dịch trực tuyến và hỗ trợ khách hàng đa ngôn ngữ giúp giảm bớt rào cản ngôn ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng quốc tế.

Thứ năm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chuyển đổi số cũng tác động mạnh mẽ đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch sức khỏe. Các nền tảng học trực tuyến và các công nghệ như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên (Cheng và cộng sự, 2023). Nhân viên có thể tham gia các khóa học và chương trình đào tạo từ xa, tiếp cận với các kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Thứ sáutăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức. Chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức y tế. Các nền tảng trực tuyến và các công cụ cộng tác giúp các bên liên quan dễ dàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các thực tiễn tốt nhất. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong ngành du lịch sức khỏe.

Chuyển đổi số đang mang lại nhiều tác động tích cực đến ngành du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh, từ việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tối ưu hóa quy trình vận hành, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng quốc tế, đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức. Để tận dụng tối đa các lợi ích của chuyển đổi số, các cơ sở du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và triển khai các chiến lược tiếp thị số hiệu quả. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, mà còn tạo ra giá trị bền vững và phát triển bền vững cho ngành du lịch nói chung và du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

KẾT LUẬN

Phát triển du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số là một bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kết hợp với nghỉ dưỡng. Như đã phân tích trong nghiên cứu này, du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh hiện đang trong giai đoạn phát triển sơ khởi và chưa khai thác hết tiềm năng. Tuy nhiên, sự gia tăng của công nghệ số và áp dụng các giải pháp chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội để cải thiện và phát triển ngành này mạnh mẽ hơn. Để thúc đẩy phát triển du lịch sức khoẻ, thời gian tới TP. Hồ Chí Minh có thể triển khai một số giải pháp sau:

Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện quy trình vận hành và quản lý dịch vụ. Các ứng dụng di động và website thân thiện, tích hợp các chức năng đặt chỗ, tra cứu thông tin và cung cấp dịch vụ theo thời gian thực không chỉ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ mà còn cải thiện hiệu quả quản lý cho các doanh nghiệp du lịch sức khỏe (Sarfraz và cộng sự, 2023). Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) mang đến những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn cho du khách, cho phép họ khám phá và trải nghiệm các dịch vụ trước khi quyết định (Barykin, và cộng sự, 2021).

Hai là, phát triển hệ sinh thái du lịch sức khỏe thông minh là yếu tố then chốt để tạo ra sự kết nối và tối ưu hóa giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Hệ sinh thái này bao gồm các cơ sở y tế, trung tâm spa, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ liên quan, tất cả được kết nối thông qua các nền tảng công nghệ số. Việc triển khai các thiết bị đeo thông minh và cảm biến môi trường giúp theo dõi sức khỏe của du khách và đảm bảo môi trường luôn đạt tiêu chuẩn sức khỏe (Gutierriz và cộng sự, 2023). Nhờ vậy, du khách có thể yên tâm tận hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng cao nhất.

Ba là, hợp tác công tư và quốc tế là yếu tố quan trọng không kém trong việc thúc đẩy phát triển du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh. Liên kết với các đối tác công nghệ giúp nghiên cứu và phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ mới, đồng thời chia sẻ tài nguyên và dữ liệu giữa các đối tác để tối ưu hóa quá trình triển khai dịch vụ. Hợp tác quốc tế không chỉ nhằm thu hút đầu tư mà còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các mô hình thành công từ các quốc gia tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng và cạnh tranh của du lịch sức khỏe TP. Hồ Chí Minh trên thị trường quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, nguồn nhân lực chuyên môn cao và am hiểu công nghệ là điều kiện cần thiết. TP. Hồ Chí Minh cần triển khai các chương trình đào tạo liên tục về công nghệ thông tin, kỹ năng số, cũng như các khóa học chuyên sâu về du lịch sức khỏe. Đặc biệt, việc hỗ trợ nhân viên đạt các chứng chỉ và bằng cấp chuyên môn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo động lực phát triển cho ngành du lịch sức khỏe.

Bốn là, chính sách và quy định hỗ trợ chuyển đổi số trong du lịch sức khỏe cũng cần được chú trọng. Các gói hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số. Đồng thời, xây dựng và áp dụng các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư sẽ tạo ra nền tảng an toàn và tin cậy cho du khách, góp phần tạo nên thành công cho ngành du lịch sức khỏe trong bối cảnh chuyển đổi số.

Năm là, quảng bá và tiếp thị đóng vai trò không thể thiếu trong việc đưa du lịch sức khỏe TP. Hồ Chí Minh đến với du khách. Chiến lược tiếp thị số, bao gồm sử dụng mạng xã hội và tiếp thị nội dung, giúp doanh nghiệp tiếp cận và giao tiếp với khách hàng một cách hiệu quả. Các chương trình kích cầu du lịch và liên kết với các hãng lữ hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phổ biến các gói du lịch sức khỏe đến với du khách trong và ngoài nước.

Tóm lại, phát triển du lịch sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số là một hướng đi đầy tiềm năng và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích. Tuy còn nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng với sự đầu tư hợp lý vào công nghệ, sự hợp tác công tư và quốc tế, cùng với sự hỗ trợ của chính sách và quy định, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến lý tưởng về du lịch sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả người dân địa phương lẫn du khách quốc tế.

Tài liệu tham khảo

1. Andreu, M. G. N. L., Font-Barnet, A., and Roca, M. E. (2021), Wellness tourism-new challenges and opportunities for tourism in Salou, Sustainability, 13(15).

2. Barykin, S. E., de la Poza, E., Khalid, B., Kapustina, I. V., Kalinina, O. V., and Iqbal, K. M. J. (2021), Tourism industry: Digital transformation, In Handbook of Research on Future Opportunities for Technology Management Education (pp. 414-434), IGI Global.

3. Bin Illyas Tan, M. I. (2022), The Context of Digital Transformation in Aviation, Tourism, and Hospitality in Southeast Asia, Digital Transformation in Aviation, Tourism and Hospitality in Southeast Asia, 7-23.

4. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5. Cheng, X., Xue, T., Yang, B., and Ma, B. (2023), A digital transformation approach in hospitality and tourism research, International Journal of Contemporary Hospitality Management, 35(8), 2944-2967.

6. Dillette, A. K., Douglas, A. C., and Andrzejewski, C. (2021), Dimensions of holistic wellness as a result of international wellness tourism experiences. Current Issues in Tourism, 24(6), 794-810.

7. Gutierriz, I., Ferreira, J. J., and Fernandes, P. O. (2023), Digital transformation and the new combinations in tourism: A systematic literature review, Tourism and Hospitality Research, https://doi.org/10.1177/14673584231198414.

8. He, M., Liu, B., and Li, Y. (2023), Tourist inspiration: How the wellness tourism experience inspires tourist engagement, Journal of Hospitality and Tourism Research, 47(7), 1115-1135.

9. Kazakov, S., and Oyner, O. (2021), Wellness tourism: a perspective article, Tourism Review, 76(1), 58-63.

10. Meikassandra, P., Prabawa, I. W. S. W., and Mertha, I. W. (2020), Wellness Tourism In Ubud. “A Qualitative Approach To Study The Aspects Of Wellness Tourism Development”, Journal of Business on Hospitality and Tourism, 6(1), 79-93.

11. Medina-Muñoz, D. R., and Medina-Muñoz, R. D. (2013), Critical issues in health and wellness tourism: An exploratory study of visitors to wellness centres on Gran Canaria, Current issues in Tourism, 16(5), 415-435.

12. Onder, I., and Acikgoz, F. (Eds.). (2023), Blockchain for Tourism and Hospitality Industries, Taylor and Francis.

13. Ratna, S., Saide, S., Putri, A. M., Indrajit, R. E., and Muwardi, D. (2024), Digital transformation in tourism and hospitality industry: a literature review of blockchain, financial technology, and knowledge management, EuroMed Journal of Business, 19(1), 84-112.

14. Sarfraz, M., Khawaja, K. F., Han, H., Ariza-Montes, A., and Arjona-Fuentes, J. M. (2023), Sustainable supply chain, digital transformation, and blockchain technology adoption in the tourism sector, Humanities and Social Sciences Communications, 10(1), 1-13.

15. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2023), Thống kê ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023.

16. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

17. Tien, N. H., Van Trai, D., and Quyet, N. X. (2023), The impact of digital transformation on tourism sustainable development: a case of SMEs in Vietna International Journal of Entrepreneurship and Small Business, 1(1).

18. Wellness Tourism Association (2022), Bảng khảo sát nhu cầu du lịch của du khách quốc tế.

19. Wong, B. K. M., Vengusamy, S., and Bastrygina, T. (2024), Healthcare digital transformation through the adoption of artificial intelligence, In Artificial Intelligence, big data, blockchain and 5G for the digital transformation of the healthcare industry (pp. 87-110). Academic Press.

20. Ziyadin, S., Koryagina, E., Grigoryan, T., Tovma, N., and Ismail, G. Z. (2019), Specificity of using information technologies in the digital transformation of event tourism, International Journal of Civil Engineering and Technology, 10(1), 998-1010.

Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/