Trong quá trình phụ trách giảng dạy cho sinh viên ngành Du lịch nói chung và sinh viên theo học ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành (QTDVDL&LH) nói riêng, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ sinh viên: Sau khi học xong, ra trường các em sẽ làm được những nghề gì (công việc nào)? Ngành Du lịch có khác với ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành

Hình ảnh: Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành trải nghiệm tour Miền Tây
Theo nghĩa nội hàm thì ngành Du lịch là bao gồm Lữ hành, Khách sạn – Nhà hàng. Theo đó, học Du lịch thì sẽ phải biết nhiều hơn là học QTDVDL&LH hay Quản trị Khách sạn (QTKS). Thực tế lúc tôi học đại học chuyên ngành Hướng dẫn du lịch thì được học và trải nghiệm nhiều hơn ngành QTKS-NH. Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi học được học một số môn học của ngành QTKS-NH và có những môn học ngành tôi học nhưng ngành QTKS-NH không được học. Đi thực tế, thực tập tại điểm đến du lịch cũng nhiều hơn nên cơ hội việc làm cũng nhiều hơn.
Tôi học ngành Du lịch Khóa 2 (1995-1999) của Viện Đại học Mở Hà Nội – Cơ sở 2 Tp. HCM. Tiền thân của Trường Đại học Văn Hiến sau này. Là một trong những nơi đầu tiên đào tạo Du lịch ở cấp bậc Đại học của Việt Nam. Lúc đó ngành Du lịch chưa được coi là một ngành đào tạo ở cấp bậc Cử nhân. Khi ra trường, bằng cấp chỉ được ghi là Cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Hướng dẫn du lịch. Không như sau này, ngành QTDVDL&LH thì bằng cấp là Cử nhân QTDVDL&LH hay ngành Quản trị Khách sạn thì Cử nhân Quản trị Khách sạn. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, ngành Du lịch khi ra trường, bằng cấp mới được ghi là Cử nhân Du lịch.
Ngành Du lịch học ở cấp bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ cũng chỉ mới được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận những năm gần đây. Nói như vậy để thấy được rằng sự nhìn nhận của chúng ta về ngành Du lịch còn sai lệch khi chỉ xem nó như là một nghề, chỉ phù hợp ở cấp Cao đẳng trở xuống. Cho nên trong khoảng thời gian khá dài, ngành Du lịch không được nhiều người biết đến với tư ngành đào tạo ở cấp bậc đại học trở lên đặc biệt là các bậc phụ huynh và các em sinh viên yêu thích ngành này. Thể hiện thông qua việc chọn ngành Du lịch để thi, đăng kí học của sinh viên còn hạn chế. Tiêu biểu, ngành Du lịch của Trường đại học Văn Hiến đã trải qua 5 năm đào tạo nhưng các lớp sinh viên theo học khá thấp và rơi rụng theo thời gian khá nhiều.
Lý do giải thích cho sự thật trên thì có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan. Khoa Du lịch cũng đã thấy được thực tế này. Ban chủ nhiệm khoa cũng luôn khẳng định ngành Du lịch thật ra phải là ngành chính và nồng cốt nhất trong các chương trình đào tạo của khoa. Khoa cần phải có những giải pháp mạnh hơn về giới thiệu, quảng cáo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong những đợt tuyển sinh hằng năm của khoa. Từ đó, các phụ huynh và các em học sinh hiểu rõ hơn về ngành, để yêu thích và lựa chọn. Cải tiến chương trình đào tạo ngành Du lịch để có được sự khác biệt rõ ràng hơn với ngành QTDVDL&LH, nâng cao chất lượng dạy và học cho ngành Du lịch… Tạo điều kiện cho các em những khóa đầu tiên được học tập và ra trường đúng tiến độ…
Như vậy, khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Du lịch, có rất nhiều công việc dành cho sinh viên. Bên cạnh đó, các em có thể học cao hơn lên Thạc sỹ Du lịch, Tiến sỹ Du lịch nếu các em muốn trờ thành những người quản lý, nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy về Du lịch. Các cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Du lịch sau khi tốt nghiệp:
* Lĩnh vực văn hóa – du lịch, nghiên cứu về du lịch
Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa du lịch, du lịch
Các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, trung tâm xúc tiến du lịch
Các cơ sở nghiên cứu, viện, trường có hoạt động nghiên cứu – đào tạo liên quan đến du lịch (nghiên cứu viên, giảng viên).
* Lĩnh vực kinh doanh du lịch – lữ hành
Hướng dẫn viên du lịch nội địa, HDV du lịch quốc tế
Quản lý doanh nghiệp du lịch
Thiết kế, tổ chức và điều hành các tour du lịch trong và ngoài nước
Tổ chức sự kiện và lễ hội
Điều phối các hoạt động lữ hành nội địa và quốc tế
Sale & Marketing du lịch
* Lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi tham quan giải trí, khu nghỉ dưỡng
Trần Công Danh