Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch từ sen tại Đồng Tháp

line
22 tháng 11 năm 2022

Đồng Tháp là địa phương trồng và phát triển cây sen lớn nhất cả nước. Trong đó, khu vực Đồng Tháp Mười được mệnh danh là xứ sở của sen. Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm từ sen tại Đồng Tháp chưa thực sự hiệu quả và chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Từ thực tế này, đòi hỏi Đồng Tháp cần có hướng khai thác sản phẩm từ sen hiệu quả hơn, đảm bảo phát triển bền vững du lịch vùng “đất sen hồng”.

 

Hình ảnh sen hồng thuần khiết. Ảnh: Phùng Văn Tấn
Hình ảnh sen hồng thuần khiết. Ảnh: Phùng Văn Tấn

 

Du lịch gắn với sen và các sản phẩm từ sen

Theo thống kê năm 2020, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 860ha đất trồng sen, tạo ra nhiều cảnh quan hấp dẫn du khách. Dựa trên lợi thế này, ngành Du lịch Đồng Tháp đã không ngừng nỗ lực đưa hình ảnh cây sen lên một tầm cao mới. Trong đó, chiến dịch xây dựng hình ảnh địa phương “Đồng Tháp - Đất Sen Hồng” và hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng du khách. Đến nay, các sản phẩm du lịch từ sen ngày càng đa dạng, phong phú, tạo thêm sự lựa chọn cho du khách mong muốn tìm về trải nghiệm vẻ đẹp đồng quê Đồng Tháp. Hiện Đồng Tháp đã có nhiều chương trình du lịch gắn với sen theo hai tuyến đường thủy và tuyến đường bộ, như “Tour theo dấu chân người tình”, “Tour theo cánh hạt bay”, “Tour khám phám phá văn hóa Óc Eo”, “Tour sông nước miền Tây”… Ngoài ra là nhiều loại hình du lịch gắn với sen như du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng… với các hoạt động trải nghiệm trồng sen, chăm sóc sen, thu hoạch sen… như người dân địa phương. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 80 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã được đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển phục vụ du lịch. Trong đó, có 12 hộ nông dân xây dựng các điểm du lịch từ sen tập trung khai thác loại hình du lịch trải nghiệm tại khu đồng sen với các dịch vụ chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản vật từ sen. Các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách/tháng, vào mùa cao điểm du lịch đạt trên 1.000 lượt khách/ ngày đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực đồng quê và trải nghiệm các hoạt động. Theo Cục Thống kê Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất và chế biến liên quan đến các sản phẩm sen và có trên 20 sản phẩm chế biến từ sen như hạt sen sấy, hạt sen tươi, trà lá sen, trà hoa sen, củ sen sấy, bột sữa sen, bột gạo lứt hạt sen, bánh phồng hạt sen, dưa ngó sen, sữa sen, rượu sen…

Tuy đã hình thành một số hoạt động du lịch gắn với sen nhưng thực tế khai thác sản phẩm du lịch từ sen tại Đồng Tháp chưa mang lại những giá trị nổi trội, chưa tương xứng với tiềm năng. Để vùng đất sen hồng phát huy thế mạnh của cây sen cần có sự liên kết chặt chẽ hơn từ chính quyền, cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, hộ gia đình sản xuất sản phẩm từ sen và cộng đồng người dân địa phương chung tay thực hiện những giải pháp tổng thể.

 

Mùa sen. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Liễu
Mùa sen. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Liễu

 

Giải pháp tăng cường hoạt động du lịch gắn với sen Đồng Tháp

Trước hết là công tác tổ chức, quản lý và quy hoạch phát triển du lịch gắn với sen. Trong đó, cần chú trọng quy hoạch các điểm du lịch nông nghiệp để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch bền vững với điểm nhấn là huyện Tháp Mười. Các đơn vị có liên quan cần tổ chức quy hoạch vùng trồng sen tập trung, chuyên canh cây sen; đồng thời kêu gọi đầu tư mở rộng diện tích trồng sen, nâng cao chất lượng, sản lượng sen tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần nghiên cứu để ban hành chính sách chuyển đổi từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen gắn với làm du lịch, hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm và tạo thành các điểm tham quan, khu du lịch gắn với cảnh quan từ sen.

Chính quyền và các cơ quan quản lý du lịch nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân làm du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với sen nhằm gia tăng giá trị nông nghiệp bằng chính tài nguyên cây sen. Các đơn vị lữ hành hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, người dân phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới gắn liền với cây sen và cảnh quan vùng trồng sen phù hợp với mọi đối tượng khách trong nước và quốc tế.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ sen, khuyến khích các ngành nghề như nông nghiệp, thủ công truyền thống, ngành hàng sen tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch như sản xuất nhang từ sen, sản phẩm chế biến và chiết xuất xuất từ sen, khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tranh sen, bộ sưu tập những đóa sen rực rỡ…; Tổ chức xây dựng các làng nghề gắn với sen, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo lập các điểm bán hàng, điểm tham quan làng nghề từ sen với mục tiêu đưa sen và các sản phẩm sen trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Đồng Tháp.

 

Sen được trồng ở khắp nơi trên quê hương Đồng Tháp. Ảnh: Ngô Minh Trường
Sen được trồng ở khắp nơi trên quê hương Đồng Tháp. Ảnh: Ngô Minh Trường

 

Sự sinh trưởng của cây sen và chất lượng của từng thành phần như hoa, lá, hạt, củ, ngó… gắn liền với môi trường tự nhiên. Môi trường ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới chất lượng của sen, dẫn đến các sản phẩm du lịch từ sen cũng sẽ bị ảnh hưởng. Môi trường cảnh quan cũng sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới tâm lý khách du lịch khi trải nghiệm các hoạt động du lịch tại vùng trồng sen. Do vậy cần có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường; tiến hành các biện pháp cải tạo, cải thiện môi trường theo hướng xanh - sạch - đẹp; thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho cộng đồng địa phương và du khách về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao nhận thức về vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch, nâng cao thái độ phục vụ khách…

Công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường du lịch cần đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh “Đất Sen hồng” trong lòng du khách trong nước và quốc tế; tổ chức nghiên cứu, thăm dò thị trường để xác định phân khúc đối tượng khách cụ thể. Cùng với đó là việc tổ chức nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, hội chợ, triển lãm, liên hoan du lịch… nhằm tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn về vùng đất sen hồng.

Đặng Khánh Như