Giao lưu doanh nghiệp: Khách sạn Yasaka Saigon NhaTrang với sinh viên Khoa Du lịch - Chủ đề: Tầm quan trọng của thái độ trong ngành dịch vụ

line
21 tháng 12 năm 2022

Chiều ngày 12/12/2022, tại Hội trường Yasaka, Khoa Du lịch phối hợp với Khách sạn Yasaka Saigon Nha Trang tổ chức chương trình giao lưu Doanh nghiệp với Chủ đề: “Tầm quan trọng của thái độ trong ngành dịch vụ”.

Hình ảnh: Toàn cảnh buổi Giao lưu doanh nghiệp

Tham dự chương trình, về phía Khách sạn Yasaka Saigon Nha Trang có: Ông Trần Tấn Ngọc – Giám đốc khách sạn, Ông Nguyễn Tiến Lợi - Phó giám đốc đào tạo, Bà Trần Thị Ngọc Dung – Giám đốc bộ phận lễ tân, Ông Nguyễn Tiến Ngôn  – Giám đốc bộ phận Buồng, Ông Lê Đức Trấn Biên - Giám đốc bộ phận F&B. Về phía Khoa Du lịch có thầy Ngô Xuân Hào – Trưởng bộ môn Quản trị khách sạn, Thầy Nguyễn Tấn Trung, Thầy Phan Trần Tuyên, Cô Dương Thị Loan, Cô Bùi Thị Ngọc Trâm, Cô Nguyễn Long Trâm Anh – Giảng viên cơ hữu và 192 sinh viên ngành Quản trị khách sạn tham dự.

Mở đầu buổi giao lưu, Giám đốc khách sạn - Ông Trần Tấn Ngọc  trích dẫn một câu nói của William James, “bất cứ khi nào bạn xung đột với ai đó, có một yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt giữa hủy hoại mối quan hệ và làm nó trở nên sâu sắc hơn. Yếu tố đó gọi là thái độ”. Hôm nay, chúng ta sẽ chia sẽ giao lưu và bàn đến “thái độ” trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Hình ảnh: Sinh viên Phạm Văn Chiến giao lưu đặt câu hỏi với Doanh nghiệp

Trong buổi giao lưu, nhiều câu hỏi được đặt ra từ các bạn sinh viên. Như “thái độ dành cho khách hàng” và “thái độ dành cho đồng nghiệp”.…. Thông qua những chia sẻ từ các anh chị khách sạn đã giúp cho sinh viên có cách nhìn nhận riêng để hoàn thiện cho riêng mình

Hình ảnh: Ông Trần Tấn Ngọc - Giám đốc khách sạn chia sẻ về thái độ dành cho khách hàng

Khi làm dịch vụ, có nghĩa là mang đến sự hài lòng, sự thõa mãn cho khách hàng. Tất nhiên, đó là điều hiển nhiên vì “khách hàng là thượng đế” mà. Tuy nhiên, không phải “thượng đế” nào cũng dễ làm thỏa mãn. Với những khách hàng khác nhau, thái độ phục vụ cũng khác nhau. Căn bản nhất là niềm nở và nhiệt tình. Nhưng, nếu khách sử dụng tâm lý “khách hàng là thượng đế” để đánh vào tâm lý của người làm dịch vụ thì làm sao? Bạn có quyền từ chối khách hàng không? Câu trả lời là có, nhưng đó là cách xử lý tình huống tệ nhất. Vậy phải làm sao để “xử” những khách hàng khó xơi. Bạn hỏi “khách cứ làm khó dễ, như thế nào cũng không hài lòng. Hết chê phòng không được sạch rồi chê này nọ lọ chai”. Bình tĩnh, xin lỗi khách vì sự bất tiện này trước. Sau đó hãy gọi cho quản lý, cho sếp để trao đổi về vấn đề này. Nếu được thì đề nghị sếp cho upgrade phòng khách này lên. Còn không thì cứ theo lời sếp mà giải quyết. Bạn hỏi “khách chê đồ ăn không ngon, không đúng vị”. Vẫn là xin lỗi khách đầu tiên, sau đó hãy hỏi món ăn hay đồ uống có vấn đề gì? Không đúng chỗ nào để bếp thay lại hoặc lần sau được phục vụ tốt hơn. Nếu khách bỏ qua thì xin lỗi khách một lần nữa và cảm ơn vì đã bỏ qua. Nếu khách vẫn khó chịu, hãy đến trao đổi với quản lý về trường hợp này. Nên nhớ, quản lý hoặc cấp cao hơn mới có quyền ra quyết định. Cho nên bạn chỉ nên xin lỗi và nhận lời góp ý từ khách sau đó chuyển thông tin này đến với quản lý. Với trường hợp, khách có thái độ không đúng đắn thì phải làm sao? Đầu tiên, hãy thể hiện thái độ chuyên nghiệp, hiếu khách. Khách bắt chuyện, vẫn trả lời. Khách hỏi đến thông tin cá nhân như số điện thoại, hay viber, zalo, whatsapp, khéo léo từ chối bằng câu “khách sạn/ serort/ nhà hàng có quy định không cho nhân viên trao đổi thông tin cá nhân với khách hàng, mong anh/ chị thông cảm”. .

Hình ảnh: Ông Nguyễn Tiến Lợi - Phó giám đốc đào tạo chia sẻ về thái độ dành cho đồng nghiệp
Đồng nghiệp là những người sẽ hỗ trợ, giúp đỡ bạn trong suốt quá trình làm việc. Vì vậy, thái độ thân thiện, hòa đồng và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau là điều cần có của một người làm việc trong tập thể. Có thể bạn làm việc theo giờ hành chính, 8 giờ sáng vào ca, 5 giờ chiều tan ca, hoặc bạn làm theo ca sáng tối bất kì, hãy tạo không khí làm việc vui vẻ với đồng nghiệp. Nếu bạn có việc gấp không thể đi làm vào ngày hôm đó được, bạn có thể nhờ đồng nghiệp trực ca đó thay bạn và bạn có thể “trả nợ” vào một ngày nào đó. Thái độ hòa nhã với mọi người sẽ giúp các bạn rất nhiều. Có thể, kinh nghiệm của đồng nghiệp không nhiều bằng bạn nhưng sẽ có những cái khác mà bạn có thể học hỏi từ đồng nghiệp. Môi trường làm việc thân thiện sẽ giúp mỗi cá nhân có động lực đi làm mỗi ngày hơn. Hãy thử nghĩ “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”, thay đổi thái độ một cách tích cực, chất lượng công việc cũng sẽ tăng lên một cách rõ rệt.
Buổi giao lưu doanh nghiệp đã kết thúc thành công tốt đẹp và để lại nhiều bài học kinh nghiệp cho các bạn sinh viên  hiểu được thái độ là một cái gì đó rất mơ hồ, không nhìn thấy được, không nắm bắt được nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả và chất lượng của công việc.