Tóm tắt
Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự và tạo động lực cho sự phát triển của các ngành và lĩnh vực liên quan, đóng góp vào sự hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, du lịch có trách nhiệm là chìa khóa giúp ngành thực hiện du lịch bền vững đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, nghiên cứu cũng đề cập các giải pháp liên quan đến sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khai phá tiềm năng du lịch có trách nhiệm.
Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo, Du lịch có trách nhiệm, Du lịch phát triển bền vững
Summary
The Vietnam Tourism Development Strategy to 2030 emphasizes the development of sustainable tourism, truly becoming a spearhead economic sector, promoting and creating momentum for the development of related industries and fields, contributing to the formation of a modern economic structure. The research results show that responsible tourism is the key to helping the industry implement sustainable tourism with optimal efficiency. At the same time, the research also mentions solutions related to the use of artificial intelligence (AI) technology in exploiting the potential of responsible tourism.
Keywords: Artificial Intelligence, Responsible Tourism, Sustainable Tourism Development
GIỚI THIỆU
Đại dịch Covid -19 đã có những tác động to lớn đến ngành du lịch Việt Nam. Số lượng khách du lịch giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải cắt giảm nhân viên hoặc đóng cửa hoàn toàn. Hiện nay, ngành đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, nhiều điểm đến vẫn còn trong tình trạng chờ đợi khách và chưa có chính sách phát triển hoặc truyền thông rõ nét để thu hút khách quay trở lại.
Ở một khía cạnh khác, chính đại dịch cũng thúc đẩy nhận thức của con người thay đổi, hành vi sử dụng dịch vụ đã có sự chuyển dịch. Khách hàng có xu hướng sử dụng công nghệ nhiều hơn trong cách tiếp các dịch vụ; đồng thời, gia tăng tiếp cận và tìm kiếm những sản phẩm/dịch vụ thể hiện tính trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Do vậy, việc phát triển du lịch có trách nhiệm cũng đã và đang trở thành lối đi của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm phát triển bền vững ngành du lịch. Thông qua sử dụng AI – một sản phẩm công nghệ hiện đại – du lịch có trách nhiệm dễ dàng có sự ủng hộ không chỉ của khách du lịch mà tất cả các đối tượng liên quan. Nghiên cứu này thực hiện nhằm khẳng định, sử dụng AI trong du lịch có trách nhiệm chính là giải pháp giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Du lịch bền vững hiện đang nhận được sự quan tâm không chỉ đến từ giới học thuật, mà cả chính phủ và các nhà quản lý doanh nghiệp. Hầu hết, các nhà nghiên cứu đề cập đến tính bền vững từ 3 chiều hướng, gồm: Môi trường kinh tế; Xã hội (bao gồm cả văn hóa) và Tự nhiên (UNEP, 2005; Ritchie và Crouch, 2003; Swarbrooke, 1999). Môi trường sinh thái bao gồm 2 chiều hướng, đó là môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội. Kaspar (1973) cho rằng, du lịch có mối quan hệ quan trọng với sinh thái cảnh quan, sinh thái cộng động và sinh thái con người hoặc xã hội. Tức là, ngành du lịch phát triển hiệu quả dựa trên và tôn trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa - xã hội của địa phương (Dávid, 2011). Trong khi đó, môi trường kinh tế đề cập chiều hướng còn lại trong 3 chiều hướng kể trên, đại diện cho mô hình quản lý và phân bổ nguồn lực trong nội tại ngành du lịch (Dávid và cộng sự, 2015)
Du lịch bền vững giải quyết tình trạng bất đối xứng giữa môi trường sinh thái và các lợi ích kinh tế. Từ đó, giảm thiểu việc lạm dụng các lợi ích kinh tế dẫn đến ra ô nhiễm hoặc phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc văn hóa - xã hội của các điểm đến (Mihalic và cộng sự, 2021). Dwyer (2020) cũng cho rằng, du lịch bền vững là hoạt động du lịch có tính đến các tác động kinh tế, xã hội và môi trường trong hiện tại và tương lai; giải quyết nhu cầu của du khách, ngành, môi trường và cộng đồng địa phương. Tức là, phát triển bền vững đòi hỏi sự tham gia có hiểu biết của tất cả các bên liên quan; đặc biệt từ các tác động mạnh mẽ của chính phủ, xây dựng sự đồng thuận từ cộng động địa phương và cần duy trì mức độ hài lòng cao của khách du lịch (Crouch và Ritchie, 1999; Milano và cộng sự, 2019).
Báo cáo Du lịch Bền vững năm 2023 của Booking.com khảo sát 33.000 du khách trên toàn cầu cho thấy, 80% du khách khẳng định, du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng. Khảo sát của YouGov tại 11 quốc gia cũng cho thấy, 34% du khách “muốn du lịch bền vững hơn”.
Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG đang ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng. Trong du lịch, thực hành ESG hướng đến 3 trụ cột chính, bao gồm: Môi trường (Environmental) - hướng đến tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; Xã hội (Social) - góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống cộng đồng; và Quản trị (Governance) - xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh.
Du lịch có trách nhiệm cũng là khái nhiệm được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trong thời gian gần đây, bởi loại hình này kêu gọi tất cả các bên liên quan chịu trách nhiệm đạt được du lịch bền vững và tạo ra những điểm đến tốt hơn cho các cá nhân sinh sống và cho các cá nhân đến thăm quan (Leslie, 2012). Du lịch có trách nhiệm cũng dựa trên 3 trụ cột của tính bền vững, vì hoạt động này kêu gọi có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và tự nhiên. Du lịch có trách nhiệm sử dụng du lịch để phát triển bền vững và tập trung vào những gì người dân, doanh nghiệp và chính phủ làm, để tối đa hóa các tác động tích cực về kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường tự nhiên của du lịch. Chính loại hình du lịch này kêu gọi các bên liên quan, như: các nhà điều hành/quản lý, chủ khách sạn, chính phủ, người dân địa phương và khách du lịch chịu trách nhiệm và thực hiện các hành động làm cho du lịch bền vững hơn (Mihalič và Kaspar, 1996; Frey, 1985; Gössling và cộng sự, 2020). UNWTO (1999) đề cập, trách nhiệm du lịch được cho là nhận thức, quyết định và hành động của tất cả những người tham gia vào việc lập kế hoạch, cung cấp và tiêu thụ du lịch sao cho đạt được tính bền vững theo thời gian.
Theo Mihalic (2016), du lịch có trách nhiệm thường có 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn đầu: tìm kiếm các yếu tố kích hoạt hoặc thách thức cho việc thực hiện du lịch bền vững trong thực tế; (2) Giai đoạn triển khai: chuyển các yếu tố kích hoạt hoặc thách thức thành các mục tiêu, hệ thống hóa trong các chiến lược của điểm đến được đưa và các chính sách, sách lược, kế hoạch để tiến đến giai đoạn hành động; (3) Giải đoạn hành động: đây là giai đoạn sẽ thực thi các chính sách, chiến lược, kế hoạch đã đề ra.
Du lịch có trách nhiệm có 3 yếu tố kích hoạt, bao gồm: (1) Yếu tố kích hoạt từ Chính phủ, doanh nghiệp (nhằm lên chương trình hành động hợp lý): chính phủ và doanh nghiệp hiểu rõ quyền và trách nhiệm của họ đối với các đối tượng liên quan khác, đặc biệt là người dân địa phương và khách du lịch; (2) Yếu tố kích hoạt từ người dân địa phương (nhằm phát hiện ra cơ hội cho ngành): người dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm để hài lòng và không khó chịu về tâm lý xã hội với sự hiện diện của khách du lịch và sự phát triển du lịc; (3) Yếu tố kích hoạt từ du khách (nhằm gia tăng sự hài lòng của du khách để phát triển ngành): du khách tìm hiểu rõ quyền và trách nhiệm từ doanh nghiệp và các bên liên quan để được hưởng đúng chất lượng trải nghiệm như cam kết, từ đó, có thể thỏa mãn và tác động tích cực đến sức hấp dẫn của các điểm đến (Mihalic và cộng sự, 2021).
Du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững. Thông qua khái niệm đã được đề cập rõ ràng về du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững, có thể thấy, du lịch có trách nhiệm hỗ trợ giúp thực hiện du lịch bền vững (Hình 1) (Mihalič và Kaspar, 1996; Frey, 1985).
Hình: Tương quan giữa du lịch bền vững và du lịch trách nhiệm
 |
Nguồn: Mihalic, 2020 |
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế, tài chính đến giao thông vận tải và nông nghiệp. Các ứng dụng của AI đang ngày càng phát triển và mang lại những lợi ích rất lớn cho xã hội. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều quan điểm liên quan đến AI, tuy nhiên đều có sự thống nhất cao. Theo Salem (2019), AI là lĩnh vực khoa học máy tính và tập trung để tạo ra phần mềm và phần cứng máy tính bắt chước tâm trí con người. Mục tiêu chính của công nghệ AI là làm cho máy tính thông minh hơn, bằng cách tạo ra phần mềm cho phép máy tính bắt chước một số chức năng của bộ não con người trong các ứng dụng được chọn. Các ứng dụng của công nghệ AI bao gồm: giải quyết vấn đề chung, hệ thống chuyên gia, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, người máy và giáo dục. Tất cả các ứng dụng này sử dụng cơ sở tri thức và kỹ thuật suy luận để giải quyết vấn đề, hoặc giúp đưa ra quyết định trong các lĩnh vực cụ thể.
AI đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong ngành du lịch hiện đại, mang lại lợi ích, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu lỗi do con người. Với khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, AI cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua cá nhân hóa dịch vụ, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động. Việc triển khai AI không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu một cách nhanh chóng, mà còn tạo nền tảng cho du lịch có trách nhiệm và bền vững. AI hứa hẹn sẽ giúp ích rất lớn cho ngành du lịch, cũng như du lịch có trách trong từ giai đoạn cụ thể của ngành.
Năm 2024 đã chứng kiến sự bùng nổ của ứng dụng AI trong du lịch bền vững. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, AI giúp giảm 10% tác động vật lý lên Angkor Wat (UNESCO, 2024); phát hiện sớm 90% vết nứt tại Petra (UNESCO và Đại học Oxford, 2024) và giảm 12% xói mòn tại Machu Picchu (Chính phủ Peru, 2024). Về quản lý năng lượng, AI tiết kiệm 18% năng lượng tại khách sạn Marriott (Marriott, 2024); Giảm 20% tại Hilton (Hilton, 2024) và 17% tại Accor (Accor, 2024), tương đương 1.200 tấn CO2. Xu hướng AI kết hợp IoT giảm 25% lãng phí tài nguyên tại Singapore (2024); Du lịch thông minh giảm 30% phát thải carbon tại Copenhagen (2024) và công nghệ carbon thấp hướng tới 50% trung tâm dữ liệu AI dùng năng lượng tái tạo (Google, 2025). Những tiến bộ này, cùng với các ví dụ về du lịch có trách nhiệm, như: bảo tồn thiên nhiên tại Costa Rica, hỗ trợ cộng đồng tại Rwanda, giảm rác thải nhựa tại Galapagos và phục hồi văn hóa tại Bhutan cho thấy, AI và du lịch bền vững đang mang lại kết quả ấn tượng.
THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG AI TRONG DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM
Hiện nay, AI đã có những ứng dụng đáng kể trong ngành du lịch.
Thứ nhất, AI được sử dụng để cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua các giải pháp tùy chỉnh, cung cấp dịch vụ và sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng
AI giúp các website du lịch và nền tảng đặt phòng cung cấp các gợi ý dựa trên hành vi người dùng, giúp cá nhân hóa hành trình và tối ưu hóa trải nghiệm. Hệ thống AI có thể thiết kế lịch trình chi tiết và đưa ra các hoạt động phù hợp.
AI được áp dụng rộng rãi trong dịch vụ khách hàng qua các chatbot trên nền tảng trực tuyến, giúp xử lý yêu cầu nhanh chóng và đảm bảo hoạt động 24/7.
Đối với các doanh nghiệp lưu trú, AI giúp xử lý và phân tích dữ liệu từ các đặt phòng và xu hướng thị trường để tối ưu hóa giá; góp phần tăng doanh thu và hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn, như: khảo sát, đánh giá trực tuyến và truyền thông xã hội; từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược và cải thiện dịch vụ một cách hiệu quả. Từ đó, AI cung cấp thông tin và các công cụ giúp các nhà chính sách du lịch tham khảo nguồn thông tin, dữ liệu…
Thứ hai, các hệ thống AI được sử dụng để tự động hóa các hoạt động trong doanh nghiệp
AI còn giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, như: nước và năng lượng thông qua các hệ thống tự động điều chỉnh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn giảm tiêu thụ, góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chí du lịch có trách nhiệm. Các hệ thống này cũng có khả năng theo dõi và cảnh báo khi mức độ sử dụng tài nguyên vượt ngưỡng an toàn; từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.
Không những vậy, với mô hình du lịch thông minh, AI được tích hợp vào các hệ thống hướng dẫn ảo và ứng dụng đặt chỗ tự động, giúp tăng cường an toàn và thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin. AI còn hỗ trợ phân tích và cung cấp thông tin, nhằm nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng địa phương về du lịch bền vững. Các thông tin này được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng khách hàng và từng địa phương, giúp tối ưu hóa tác động giáo dục và nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của du lịch có trách nhiệm.
Các nền tảng du lịch lớn đang tận dụng AI để khuyến khích du khách chọn các lựa chọn thân thiện với môi trường, như: du lịch có trách nhiệm, từ chỗ ở đến phương tiện di chuyển. Tại TripAdvisor, nền tảng này đã nâng cấp tính năng AI vào năm 2024, cung cấp gợi ý xanh, như: homestay địa phương, tour đi bộ hoặc xe đạp và các nhà hàng sử dụng nguyên liệu bền vững. Một khảo sát nội bộ cho thấy, 40% người dùng bị ảnh hưởng bởi các gợi ý này, tăng từ 35% so với số liệu của Google Travel trước đó.
Bên cạnh đó, tính năng "Travel Impact Model" của Google Travel được cập nhật vào cuối năm 2024, sử dụng AI để tính toán lượng phát thải carbon của từng chuyến bay, khách sạn và tour du lịch. Kết quả cho thấy, 45% người dùng (tăng từ 35%) chọn các tùy chọn "eco-friendly", như: tàu hỏa thay vì máy bay cho các tuyến ngắn sau khi nhận được gợi ý từ AI. Đáp ứng nhu cầu du lịch bền vững ngày càng tăng của du khách (90% tìm kiếm, 50% sẵn sàng chi trả thêm), Expedia Group đã triển khai 2 chương trình Destination Climate Champions và Destination Giveback Initiative, hỗ trợ các DMO (Destination Marketing/Management Organization, tức là Tổ chức Tiếp thị/Quản lý Điểm đến) thực hiện du lịch có trách nhiệm. Đồng thời, Expedia ứng dụng AI với hệ thống "du lịch không phát thải" và hỗ trợ DMO mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách và kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng tích cực năm 2024.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP SỬ DỤNG AI TRONG DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM
Du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, không chỉ về tăng trưởng kinh tế, mà còn về tính bền vững. Thực hiện du lịch có trách nhiệm đạt hiệu quả sẽ giúp ngành du lịch đạt được cả 3 trụ cột bền vững. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để tận dụng triệt để sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cả du khách, cộng đồng địa phương và môi trường. Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ứng dụng AI trong du lịch có trách nhiệm không chỉ là xu hướng, mà còn là giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, hiện tại, việc triển khai các giải pháp AI vẫn còn manh nha, chưa đồng bộ và thiếu tính chiến lược. Do vậy, nghiên cứu này sử dụng AI nhằm khuyến khích, cũng như triển khai du lịch có trách nhiệm được dễ dàng và mang lại nhiều thành công hơn, thông qua một số các giải pháp. Các giải pháp này tập trung giải quyết các chiều kích hoạt trong du lịch có trách nhiệm.
Một là, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Xây dựng nền tảng AI quốc gia, tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn giúp quản lý ngành du lịch một cách đồng bộ và toàn diện. Dự đoán xu hướng, phân tích phân khúc khách hàng, đề xuất điểm đến thay thế kết hợp với văn hóa địa phương và làng nghề sản xuất truyền thống, giảm tải cho các điểm du lịch hiện đang quá tải, như: Vịnh Hạ Long, Sapa, Hội An. Hợp tác với các "ông lớn" công nghệ trong và ngoài nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu và AI. Triển khai thí điểm tại các điểm du lịch trọng điểm tại: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.
Hai là, cá nhân hóa trải nghiệm du lịch. Sử dụng AI để tư vấn và thiết kế các tour du lịch cá nhân hóa, khuyến khích khám phá các vùng sâu, vùng xa, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Phát triển ứng dụng di động quốc gia, gợi ý lịch trình dựa trên sở thích cá nhân, ưu tiên các điểm đến bền vững. Thậm chí, có thể định hướng cho khách hàng những dòng sản phẩm hiện có trong du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến khác nhau, kích thích sự hứng thú của du khách đối với du lịch có trách nhiệm. Kết nối với các doanh nghiệp du lịch địa phương để đưa thông tin quảng bá và cập nhật liên tục lên nền tảng.
Ba là, sử dụng hệ thống đánh giá du lịch dựa trên AI. Sử dụng các thuật toán học máy để phân tích dữ liệu và đưa ra các đánh giá trung thực và đáng tin cậy về các điểm đến và hoạt động du lịch. Hệ thống này có thể đưa ra các đánh giá về mức độ bảo vệ môi trường, chất lượng dịch vụ, độ an toàn và các yếu tố khác của các điểm đến du lịch. Hệ thống cũng có thể đưa ra các khuyến nghị về các điểm đến và hoạt động du lịch có trách nhiệm và bảo vệ môi trường, từ đó khuyến khích du khách và người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch phù hợp.
Bốn là, giám sát và bảo vệ tài nguyên du lịch. Áp dụng AI trong giám sát môi trường, phát hiện ô nhiễm và bảo tồn di sản văn hóa như tại các điểm rừng quốc gia. Triển khai hệ thống camera thông minh và cảm biến IoT tại các khu vực nhạy cảm. Sử dụng AI phân tích hình ảnh để phát hiện hành vi phá hoại di sản như tại Văn Miếu.
Năm là, đào tạo nguồn nhân lực. Sử dụng hệ thống giáo dục du lịch dựa trên AI là một công cụ cho phép các doanh nghiệp và chính phủ cung cấp các tài liệu giáo dục, đào tạo và hướng dẫn về du lịch có trách nhiệm. Hệ thống này có thể cung cấp các tài liệu giáo dục về các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường và tác động của du lịch đến cộng đồng địa phương. Hệ thống cũng có thể đưa ra các hướng dẫn về cách tham gia vào các hoạt động du lịch địa phương có trách nhiệm và bảo vệ môi trường; từ đó, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch phù hợp. Đầu tư vào đào tạo chuyên sâu về AI trong du lịch tại các trường đại học. Tổ chức các khóa học ngắn hạn cho cán bộ địa phương và doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ chuyên gia AI phục vụ ngành du lịch từ các nhân sự hiện hữu của địa phương, của ngành; giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài.
Sáu là, hợp tác công-tư và quốc tế. Tăng cường hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Thành lập quỹ đầu tư du lịch bền vững, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào AI. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến về du lịch số.
Bảy là, tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Sử dụng AI để xây dựng các chiến dịch truyền thông thông minh. Phát triển chatbot AI đa ngôn ngữ, cung cấp thông tin về du lịch bền vững. Tạo nội dung giáo dục bằng AI về bảo tồn văn hóa và môi trường.
Tám là, tầm nhìn 2030: Du lịch Việt Nam - Điểm đến xanh, thông minh. Giảm lượng khí thải carbon từ ngành du lịch. Giảm 20%-30% lượng khí thải carbon từ ngành du lịch thông qua quản lý thông minh và tối ưu hóa giao thông. Tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP, tăng 12%-15% (so với 8% năm 2023 theo GSO); với ít nhất 30% doanh thu đến từ các vùng nông thôn và cộng đồng địa phương. Định hướng đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia Đông Nam Á về ứng dụng AI trong du lịch có trách nhiệm, cạnh tranh với Thái Lan và Singapore./.
Lê Thị Kiều Anh - Văn Hữu Quang Nhật
Trường Đại học Thái Bình Dương
Hồ Minh Đức
Trường Đại học Trà Vinh
Nguồn: https://kinhtevadubao.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Crouch, G. I., and Ritchie, J. B. (1999), Tourism, competitiveness, and societal prosperity, Journal of business research, 44(3), 137-152.
2. Dávid, L. (2011), Tourism ecology: towards the responsible, sustainable tourism future, Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 3(3), 210-216.
3. Dávid, L., Vargáné Csobán, K., Kovács, G., Vasa, L., Parikshat, S. M., and Varga, D. (2015), Tourism Ecology: Towards a greener tourism-Buiding sustainable tourism.
4. Dwyer, L. (2020), Tourism development and sustainable well-being: A Beyond GDP perspective, Journal of Sustainable Tourism, 31(1), 1-18.
5. Frey, B. S. (1985), Umweltökonomie, Vandenhoeck and Ruprecht.
6. Gössling, S., McCabe, S., and Chen, N. C. (2020), A socio-psychological conceptualisation of overtourism, Annals of Tourism Research, 84.
7. Hằng Trần (2022), Lượng khách du lịch nội địa tăng trên 240% trong tháng 5, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM234139.
8. Hassan, A. (2022), Handbook of Technology Application in Tourism in Asia, Springer.
9. Kaspar, C. (1973), Fremderverkehrsoekologie - eine neue Dimension der Fremdenverkehslehre (Tourism Ecology - A New Dimension of Tourism Science), Festscrift zur Vollendung des, 65.
10. Leslie, D. (Ed.). (2012), Responsible tourism: Concepts, theory and practice, CABI.
11. Lưu Hà, (2024), Doanh nghiệp thực hành ESG để phát triển du lịch bền vững, truy cập từ https://vneconomy.vn/techconnect//doanh-nghiep-thuc-hanh-esg-de-phat-trien-du-lich-ben-vung.htm.
12. Mihalic, T. (2016), Sustainable-responsible tourism discourse - Towards ‘responsustable’tourism, Journal of cleaner production, 111, 461-470.
13. Mihalič, T., and Kaspar, C. (1996), Umweltökonomie im Tourismus, Haupt.
14. Mihalic, T., Mohamadi, S., Abbasi, A., and Dávid, L. D. (2021), Mapping a sustainable and responsible tourism paradigm: A bibliometric and citation network analysis, Sustainability, 13(2), 853.
15. Milano, C., Novelli, M., and Cheer, J. M. (2019), Overtourism and degrowth: A social movements perspective, Journal of Sustainable Tourism, 27(12), 1857-1875.
16. Ritchie, J. B., and Crouch, G. I. (2003), The competitive destination: A sustainable tourism perspective, Cabi.
17. Salem, A. B. M. (2019), Artificial intelligence technology in intelligent health informatics, Information Systems Architecture and Technology: Proceedings of 39th International Conference on Information Systems Architecture and Technology–ISAT 2018: Part I (3-3), Springer International Publishing.
18. Swarbrooke, J. (1999), Sustainable tourism management, Cabi.
19. Tạp chí Tài chính (2020), Ngành du lịch Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 và vấn đề đặt ra, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/nganh-du-lich-viet-nam-trong-mua-dich-covid-19-va-van-de-dat-ra.html.
20. Trang Linh (2021), Ngành du lịch thế giới "thụt lùi" 30 năm vì đại dịch Covid-19, truy cập từ https://vneconomy.vn/nganh-du-lich-the-gioi-thut-lui-30-nam-vi-dai-dich-covid-19.htm.
21. UNEP, W. (2005), Making tourism more sustainable-Part II, Case Studies.
22. UNWTO. (1999), Global Code of Ethics for Tourism. For Responsible Tourism.