Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao gắn với liên kết vùng

line
09 tháng 04 năm 2024

Tóm tắt

Đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch đang dần hướng đến việc đảm bảo trang bị đầy đủ cho sinh viên về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, các doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hiện nay. Bài viết sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp cũng như kết quả nghiên cứu thực tế để làm rõ những vai trò trên, vốn được thể hiện chủ yếu ở ba phương diện: hỗ trợ môi trường thực hành kỹ năng nghề nghiệp thực tế, góp ý xây dựng chương trình đào tạo và đầu tư cho việc đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, bài viết cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực du lịch ngày nay.

Từ khóa: doanh nghiệp, liên kết vùng, đào tạo, nhân lực du lịch

 

Roles of enterprises in developing high quality tourism human resources

in the context of regional linkage

 

Abstract

The mission of educating human resource in tourism requires all the students must be fully equipped with knowledge, professional skills and attitude. In this trend, enterprises are taking important roles in training high quality tourism human resource nowadays. This paper uses the secondary data and fieldwork report to clarify these roles which appear at 3 aspects: supporting the environment of practicing actual career skills, making suggestions on designing educational program as well as investing in educating human resource. Besides, this paper also gives some petitions to improve the effectiveness of training tourism human resouce with the participation of enterprises.

Keywords: enterprises, regional linkage, training, tourism human resource

 

  1. Đặt vấn đề

    Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16% so với năm 2018) và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6% so với năm 2018) (Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu, 2020). Với sự phát triển không ngừng qua mỗi năm, việc đào tạo nhân lực du lịch có chất lượng cao là vấn đề chung cho cả ngành du lịch, kể cả khối lữ hành, nhà hàng hoặc khách sạn (Malik và Vivek, 2018). Tuy nhiên hiện nay, thực tế là nguồn nhân lực trong ngành du lịch chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường về mặt số lượng cũng như chất lượng (Khan, 2008). Khả năng đáp ứng về chuyên môn nghề nghiệp cũng như các kỹ năng cơ bản như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… của đội ngũ lao động hiện nay còn rất hạn chế (Lê Thị Lệ, 2019). Để nâng cao hiệu quả của việc đào tạo nhân lực du lịch, một trong những biện pháp hàng đầu được đưa ra là liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa ba nhà: nhà trường – Nhà nước – và nhà doanh nghiệp (Nhật Nam, 2019).

    Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao cũng mang lại một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (win-win) cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, những nhân lực du lịch này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thiểu các trục trặc trong vận hành cũng như đạt được những mục tiêu trong kinh doanh (Malik và Vivek, 2018). Đội ngũ nhân lực trẻ năng động và thích ứng nhanh với những xu hướng mới cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp trẻ hóa quy trình phục vụ khách hàng của mình. Sức sáng tạo cùng các kỹ năng của nhân lực du lịch chất lượng cao giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm của mình, gia tăng mức độ hài lòng của du khách.

    Nhìn nhận ở khía cạnh vĩ mô, Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu (2020) phân tích về nguồn nhân lực du lịch không chỉ bao gồm những nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành du lịch mà còn có cả bộ phận làm việc ở các ngành, các quá trình liên quan như văn hóa, giao thông, nông nghiệp, thương mại, bưu chính viễn thông… Do đó, có thể thấy rằng việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao vừa mang lại khả năng vận hành hiệu quả cho hoạt động du lịch, vừa góp phần phát triển các ngành có liên quan.

    Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch, Lê Thị Lệ (2019) cho rằng doanh nghiệp là nhân tố góp phần không nhỏ vào hiệu quả của việc đào tạo nhân lực làm việc trong ngành. Tuy nhiên hiện nay, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo du lịch vẫn còn khá hạn chế. Điều này bắt nguồn từ việc chưa có cơ chế, chính sách cụ thể và khả thi để khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao với các cơ sở giáo dục

    Phạm Trung Lương (2016) đã nghiên cứu hoạt động đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay để thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực chất lượng cao. Trong đó, với sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác, cơ sở đào tạo du lịch sẽ có thể nâng cao tính thực tiễn trong nội dung giảng dạy cũng như tạo môi trường cho sinh viên (SV) thực tập kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả. Việc đẩy mạnh liên kết đào tạo du lịch sẽ góp phần đưa nâng tầm nhân lực trong ngành du lịch, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.

    Về phía các nhà nghiên cứu quốc tế, Malik và Vivek (2018) nhận định về vai trò của hoạt động đào tạo nhân lực là rất quan trọng đối với ngành du lịch bởi nó cung cấp những người làm nghề có chất lượng – yếu tố quan trọng trong ngành dịch vụ. Để hoạt động đào tạo này diễn ra hiệu quả thì cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để nguồn nhân lực có đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn kỹ năng. Đồng ý với quan điểm trên, Samiei và Akhoondzadeh (2013) cho rằng các doanh nghiệp không chỉ là nơi giải quyết vấn đề việc làm cho ngành du lịch mà còn tạo môi trường thực tập các kỹ năng nghề nghiệp cho SV du lịch cũng như nhiều cơ hội liên quan khác trong xã hội.

    Như vậy, có thể thấy rằng đa phần các công trình nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm về tầm quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên cũng đã chỉ ra về một số hạn chế trong mối liên kết này khi giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự phối hợp hiệu quả như kỳ vọng. Điều này cũng bắt nguồn từ việc “chưa có cơ chế huy động sự tham gia tích cực, thiết thực và hiệu quả của doanh nghiệp vào đào tạo nhân lực du lịch” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm hệ thống lại một cách cụ thể những vai trò của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao để các cơ sở giáo dục thấy rõ hơn nữa về tầm quan trọng của việc liên kết. Nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị cho việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trở nên hiệu quả hơn, mang lại giá trị tích cực cho nguồn nhân lực ngành du lịch nước nhà.

  2. Nội dung nghiên cứu
    • 2.1.Sơ lược thực trạng đào tạo nhân lực du lịch hiện nay

    Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện nay nước ta có khoảng 1,3 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch nhưng chỉ có 42% là được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (Nhật Nam, 2019). Một số ngành học có liên quan đến việc đào tạo nhân lực du lịch như: Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Việt Nam học, Quản trị du lịch, Du lịch học, Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị du lịch nhà hàng khách sạn… Tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 192 cơ sở đào tạo du lịch với 62 trường Đại học có khoa du lịch, 55 trường Cao đẳng (trong đó có 10 trường chuyên về đào tạo các ngành trong lĩnh vực du lịch và 45 trường có đào tạo ngành du lịch) và 75 trường Trung cấp, các trung tâm dạy nghề (Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu, 2020). Riêng tại TP. HCM có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, trong đó có 18 trường Đại học, 21 trường Cao đẳng/ trường nghề và 24 trường Trung cấp nghề/ Trung học chuyên nghiệp (Nhật Nam, 2019).

    Việt Nam cũng đã có sự liên kết đào tạo về nhân lực ngành du lịch với một số các quốc gia khác, đơn cử như các cơ sở đào tạo du lịch trong khối ASEAN, Trung Quốc, Canada, Úc… Các chương trình liên kết đào tạo đa phần tập trung ở hệ đào tạo Đại học, bao gồm cả chương trình học hoàn toàn của nước ngoài hoặc liên kết 2+2 – hai năm học chương trình Việt Nam, hai năm học chương trình của nước ngoài. Một số trường còn mời các giảng viên, chuyên gia từ nước ngoài để giảng dạy tại Việt Nam, giúp SV tiếp cận với những kiến thức cũng như cách tư duy mới mẻ. Nhiều dự án hỗ trợ bởi các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế đã được triển khai như 4 dự án đào tạo nhân lực du lịch – khách sạn với tổng giá trị gần 15 triệu USD, Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch của Liên minh Châu Âu trị giá 12 triệu EURO, hay dự án ADB về “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng” với hợp phần “Phát triển nhân lực du lịch Việt Nam” với kinh phí 2,5 triệu USD (Phạm Trung Lương, 2016).

    Tuy số lượng nhân lực du lịch đào tạo hàng năm là không nhỏ nhưng lại thiếu những nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng về cả kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ lẫn thái độ trong học tập và trong công việc (Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu, 2020). Việc đào tạo SV tốt nghiệp ngành du lịch đôi khi vẫn chưa thật sự phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt là với yêu cầu của các doanh nghiệp trong ngành. Một số công ty lữ hành lớn và nhỏ khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng (Nhật Nam, 2019). Điều này cũng bắt nguồn từ việc SV chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với thực tế nghề nghiệp, chưa có cơ hội vận dụng các kiến thức và kỹ năng được học nên khi vào doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Chương trình đào tạo một số trường quá thiên về học thuật hoặc quá chú trọng đến thực hành chứ ít trang bị nền tảng kiến thức đều khiến cho SV không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi làm việc thực tế.

    • 2.2.Vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch
      • 2.2.1.Theo quy định pháp lý

    Về mặt pháp lý, doanh nghiệp du lịch nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đều được đề cập đến như là một đối tượng tham gia vào hoạt động giáo dục, đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, riêng về việc đào tạo nghề thì Luật đã quy định việc khuyến khích “phối hợp doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp cũng như là hoạt động hướng nghiệp cho người học”, “tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với doanh nghiệp” và “tổ chức cho nhà giáo thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề” (Quốc hội Việt Nam, 2014). Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng dành hẳn một chương (Chương IV: Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp) với hai điều, thể hiện mức độ quan trọng của doanh nghiệp đối với việc đào tạo nhân lực theo hướng kỹ năng nghề. Còn đối với các trình độ Đại học, Cao đẳng thì trong văn bản Luật cũng đã nêu rõ về việc “đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp”, cũng như “doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo” (Quốc hội Việt Nam, 2012).

    Trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Cụ thể, mục tiêu chung của các nhóm giải pháp đề ra có hướng đến việc “đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực ngành du lịch” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Ngoài ra, nội dung quy hoạch cũng đề ra yêu cầu về “phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo” với những nội dung như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình; hỗ trợ kinh phí; tạo cơ sở học tập, kiến tập cho người học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Những quy định về mặt pháp lý nói trên cho thấy sự quan tâm, chú ý của Nhà nước đối với vai trò của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực du lịch nói riêng.

    • 2.2.2.Sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch
      • 2.2.2.1.Hỗ trợ môi trường thực hành kỹ năng nghề nghiệp thực tế

    Với vai trò là nơi sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đào tạo trong việc tạo ra môi trường để SV quan sát, thực hành hoặc thực tập kỹ năng nghề nghiệp. Không chỉ tại TP. HCM mà nhiều địa phương khác và mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới cũng xem việc thực tập thực tế tại doanh nghiệp là học phần bắt buộc trong chương trình học chính thức (Samiei và Akhoondzadeh, 2013). Đa phần việc thực hành kỹ năng chuyên môn tại doanh nghiệp được chia thành hai giai đoạn chính: (1) giai đoạn kiến tập – SV chỉ đến doanh nghiệp để quan sát và học tập những công việc thực tế tại đó, và (2) giai đoạn thực thực tập – SV sẽ đến doanh nghiệp để thực hành các công việc đã quan sát và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho quá trình làm việc sau này.

    Các nhân viên tại doanh nghiệp sẽ là người hướng dẫn, tập huấn cho SV những kỹ năng cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu trong việc phục vụ du khách (Malik và Vivek, 2018). Việc tiếp xúc và làm quen với thực tế nghề nghiệp còn giúp SV có được đánh giá cụ thể, chân thực nhất về công việc để xem đó có phải là việc phù hợp với bản thân mình hay không. Bởi lẽ rất nhiều SV thi vào ngành du lịch nhưng lại chưa hình dung rõ về những công việc cụ thể mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp mà chỉ nghe theo bạn bè, tư vấn tuyển sinh hoặc theo sự quyết định của gia đình. Trong khi đó, với đặc thù ngành dịch vụ phục vụ cho du khách thì yếu tố “đúng người đúng việc” rất quan trọng (Khan, 2008). Nhân lực làm trong ngành du lịch cần hiểu rõ bản thân mình đang làm gì, đang cần những gì và cảm thấy yêu thích những điều đó thì mới có thể hoàn thành tốt công việc và mang lại sự hài lòng cho du khách. Đặc biệt là với vị trí Hướng dẫn viên vốn là một công việc đòi hỏi nhiều ở sự nỗ lực và vượt qua khó khăn trong quá trình làm nghề thì việc tiếp cận sớm với công việc lại càng trở nên quan trọng, giúp SV có được những trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế (Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu, 2020).

    Du lịch về cơ bản là ngành mang tính phục vụ, mang đến niềm vui, sự thư giãn cho con người nên đòi hỏi những quy tắc về thái độ ứng xử, tính chuyên nghiệp trong cách làm việc, giữ gìn hình ảnh… (Lê Thị Lệ, 2019). Do đó, SV phải luôn tự trau dồi, rèn luyện bản thân mỗi ngày để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách (Khan, 2008). Các đợt thực tập thực tế tại doanh nghiệp sẽ là môi trường thuận lợi để SV có thể thực hành kỹ năng nghề nghiệp cũng như vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn một cách hiệu quả (Samiei và Akhoondzadeh, 2013). Hơn nữa, tính chất của ngành du lịch là tiếp xúc và làm việc trực tiếp với con người mà cụ thể ở đây là du khách. Thông qua các đợt thực tập tại doanh nghiệp, SV cũng sẽ có cơ hội tiếp xúc với đa dạng các tính cách, yêu cầu khác nhau của khách hàng để vừa có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học và cũng là cơ hội để rèn luyện khả năng xử lý các tình huống phát sinh. Nhất là với những doanh nghiệp du lịch, nhà hàng hay khách sạn có đối tượng khách mục tiêu là khách quốc tế thì đây cũng là cơ hội để SV có thể trau dồi kỹ năng ngoại ngữ.

    Việc tham gia thực tập thực tế tại doanh nghiệp còn giúp SV có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Bởi lẽ các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng giữ lại những nhân lực chất lượng cao, có tố chất và kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của công ty mà họ đánh giá được trong quá trình thực tập. Quãng thời gian thực tập tại doanh nghiệp (khoảng hai đến ba tháng) cũng đủ để SV quen với môi trường công sở và làm quen với các đồng nghiệp, dễ dàng hơn trong quá trình làm việc chính thức sau này. Một số SV giỏi thậm chí còn nhận được vị trí làm việc chính thức trước khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo. Trong quá trình tham gia thực tập thực tế tại doanh nghiệp, SV có thể tiếp cận một số vị trí làm việc khác ngoài những vị trí mà các bạn hướng đến ban đầu. Điều này tạo cơ hội cho sự luân chuyển công việc hoặc thăng cấp lên chức vụ quản lý sau này.

    • 2.2.2.2.Góp ý xây dựng chương trình đào tạo

    Theo xu hướng hiện nay, các cơ sở đào tạo du lịch cần xây dựng chương trình đào tạo chuẩn theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, có sự cập nhật và góp ý của các cơ sở sử dụng lao động (Lê Thị Lệ, 2019). Bởi lẽ, doanh nghiệp là nơi sử dụng những “sản phẩm đầu ra” của chương trình đào tạo nên chính doanh nghiệp sẽ nhìn nhận được chất lượng của quá trình đào tạo một SV trong ngành. Với vai trò là nơi sử dụng nhân lực nên các doanh nghiệp cũng góp phần xây dựng dự báo về nhu cầu nhân lực, cụ thể hơn là nhu cầu về nhân lực làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong ngành du lịch (Nhật Nam, 2019) để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình cung ứng đúng với nhu cầu thị trường. Điều này sẽ giúp khắc phục hạn chế là cơ sở đào tạo không quan tâm đến nhu cầu xã hội còn cơ sở sử dụng nhân lực là doanh nghiệp du lịch lại không quan tâm đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011).

    Doanh nghiệp với kinh nghiệm hoạt động của mình sẽ có thể đưa ra những góp ý sâu sắc, mang tính thực tiễn cho hoạt động đào tạo nhân lực du lịch. Trong đó, góp ý về những môn học trong chương trình đào tạo là điều mà doanh nghiệp có thể quan tâm. Một chương trình đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao phải đảm bảo SV sau khi tốt nghiệp có đầy đủ khối lượng kiến thức về cơ sở ngành và chuyên ngành để vận dụng vào trong thực tế nghề nghiệp. Thực tế hiện nay nhiều cơ sở đào tạo vẫn còn quá thiên về trang bị kỹ năng mà ít quan tâm đến việc trau dồi kiến thức nền (Lê Thị Lệ, 2019) vốn là thứ có thể giúp SV có được nền tảng vững chắc khi làm việc và thăng tiến lên những cấp bậc cao hơn trong việc làm tương lai. Lựa chọn các môn học và chương trình cụ thể của từng môn học cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp có thể tham gia góp ý cho cơ sở đào tạo, nhất là trong thực tế hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất chung về chương trình hoặc chuẩn đầu ra ngành du lịch của các trường.

    Bên cạnh các môn học, doanh nghiệp còn có thể góp ý xây dựng những yếu tố liên quan đến chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hoặc cụ thể hơn là những chuẩn đầu ra hoặc mục tiêu giảng dạy của từng chương trình môn học. Trong đó, việc chú trọng đến rèn luyện kỹ năng cho SV là điều mà các doanh nghiệp thường sẽ lưu ý, vì để làm việc tốt trong môi trường du lịch ngày nay thì SV phải có kỹ năng nghề nghiệp vững chắc nên cần được trau dồi, thực hành trong quá trình học tập. Tập trung đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân lực trong ngành du lịch là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay (Malik và Vivek, 2018). Trong đó, kỹ năng ngoại ngữ luôn là yếu tố được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu đối với nhân lực du lịch chất lượng cao, nhưng thực tế hiện nay thì chỉ khoảng 60% lao động trong ngành biết và có thể sử dụng các loại ngoại ngữ khác nhau (Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu, 2020). Thực tế hiện nay một số cơ sở đào tạo vẫn chưa bổ sung môn Anh văn chuyên ngành về du lịch, nhà hàng, khách sạn vào chương trình; hoặc nếu có thì vẫn còn hạn chế về môi trường thực hành giao tiếp (Lê Thị Lệ, 2019). Điều này cũng tương tự với kỹ năng về tin học, khi hiện nay chỉ có một số chương trình đào tạo có đưa môn Tin học ứng dụng cho du lịch/ nhà hàng khách sạn vào giảng dạy cho SV.

    Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào chương trình đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao (Phạm Trung Lương, 2016). Điển hình cho việc này là hiện nay nhiều cơ sở giáo dục du lịch tại TP. HCM có mời các nhân sự đến từ doanh nghiệp du lịch, nhà hàng và khách sạn trên địa bàn Thành phố đảm nhận giảng dạy một số môn học. Ở mức độ đơn giản hơn, các nhân sự từ doanh nghiệp còn có thể tham gia những buổi chia sẻ (talkshow) hoặc những buổi tập huấn (workshop) với các chuyên đề cụ thể để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho SV. Những kiến thức thực tế này đôi khi SV sẽ không được tiếp thu thông qua lý thuyết và sự truyền đạt từ phía giảng viên (Lê Thị Lệ, 2019). Chính sự sáng tạo, thay đổi không ngừng trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ là những chất liệu tuyệt vời trong bài dạy hoặc bài chia sẻ, giúp SV tiếp cận với những góc độ mới mẻ hơn về nghề nghiệp (Samiei và Akhoondzadeh, 2013). Không chỉ vậy, việc được nghe “người thật việc thật” chia sẻ cũng tạo động lực cho SV trong quá trình học tập, giúp các bạn cảm thấy việc học trở nên thực tế hơn và có ý nghĩa hơn.

    • 2.2.2.3.Đầu tư cho việc đào tạo nhân lực

    Một trong những hoạt động liên quan đến chỉ số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây luôn là những nhà tài trợ thường xuyên cho các hoạt động của SV. Bởi thông qua đó, doanh nghiệp vừa có thể quảng bá hình ảnh của mình với đông đảo người tiếp cận, lại vừa là cái tên quen thuộc trong trí nhớ của SV tại cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao khả năng sở hữu những nhân sự chất lượng cao sau trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tham gia tài trợ học bổng cho SV đạt kết quả cao trong học tập cũng như hỗ trợ các khoản kinh phí cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở giáo dục (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011).

    Với các môn học yêu cầu kỹ năng thực hành nghề nghiệp cao như buồng phòng, lễ tân, bếp, phục vụ… thì doanh nghiệp có thể tham gia tư vấn thiết kế các phòng thực hành cũng như mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Điều này sẽ góp phần đảm bảo mô phỏng môi trường làm việc thực tế nhưng vẫn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường. Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho ngành du lịch ở nước ta hiện nay có nhiều sự thay đổi với các phương tiện, công cụ, trang thiết bị phục vụ trong hoạt động du lịch, cũng như sự ra đời của khái niệm “Du lịch thông minh” (Lê Thị Lệ, 2019). Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào việc tư vấn, hỗ trợ thiết kế các phương pháp và phương tiện dạy học hiện đại với sự ứng dụng của công nghệ và mạng Internet.

    Thậm chí, các doanh nghiệp cũng có thể tự thân đầu tư để tổ chức hoạt động đào tạo nhân lực du lịch ngay tại doanh nghiệp mình. Trong các văn bản Nhà nước cũng đã có đề cập đến việc “khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp […] thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp” (Quốc hội Việt Nam, 2014) hoặc “khuyến khích mở các cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Việc này có nhiều thuận lợi nhất định bởi doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phù hợp cho việc thực hành kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, đa phần các giảng viên tại những cơ sở đào tạo thuộc mô hình này đều có kinh nghiệm làm việc thực tế vững vàng. Cái cần có là phải tập huấn đội ngũ nhân sự đào tạo có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ và nghiệp vụ sư phạm vững vàng để có thể đứng lớp giảng dạy. Thực tế hiện nay đã có một số đơn vị thực hiện theo hướng đi này và làm rất tốt công tác đào tạo, đơn cử như trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist. Một mô hình khác về việc đầu tư cho hoạt động đào tạo ngay tại doanh nghiệp là trường Cao đẳng Khách sạn Du lịch Quốc tế Imperial thuộc khu Tổ hợp Khách sạn – Căn hộ cao cấp The IMPERIAL Hotel Vũng Tàu.

    • 2.3.Kiến nghị giải pháp nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nhân lực du lịch

    Với những doanh nghiệp có nhận SV thực tập thực tế với số lượng nhiều hoặc thường xuyên, nhà trường có thể trao đổi sau thời gian thực tập để ghi nhận những đánh giá, góp ý trực tiếp từ phía doanh nghiệp. Bởi vì họ là những người tiếp xúc trực tiếp với SV trong quá trình làm việc nên có thể sẽ đánh giá được những vấn đề liên quan đến kỹ năng, thái độ của SV nhưng không được thể hiện trong biên bản nhận xét thực tập. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng nên thường xuyên khảo sát các doanh nghiệp sử dụng nhân lực được đào tạo từ trường. Kết quả khảo sát sẽ giúp đánh giá chất lượng đào tạo và hoàn thiện, đổi mới chương trình cho phù hợp thực tiễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011).

    Cơ sở đào tạo cũng cần khuyến khích SV lựa chọn các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng và khách sạn tại những địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh và có những tài nguyên du lịch độc đáo cho nội dung thực tập, thực tế của mình. Đây là cơ hội để SV có thể thấy và học hỏi được cách thức làm việc trong những môi trường mới, đặc biệt là ở những nơi có tài nguyên khác biệt với địa bàn cư trú thường xuyên của SV. Hoặc ngược lại, cơ sở đào tạo cũng có thể mời các chuyên gia hoặc nhân sự từ những doanh nghiệp đến từ những địa phương khác với mô hình hoạt động khác biệt để mang đến khối lượng kiến thức mới mẻ, phong phú cho SV. Tiêu biểu như các SV tại TP. HCM sẽ tương đối khó hình dung về mô hình hoạt động của một khu nghỉ dưỡng (resort) do địa bàn Thành phố rất ít cơ sở kinh doanh theo dạng này. Cơ sở đào tạo có thể liên hệ một số doanh nghiệp resort lớn ở các địa phương lân cận như Vũng Tàu, Long Hải, Mũi Né… về để trao đổi, chia sẻ cho SV, giúp các bạn có sự hình dung cụ thể về loại hình cơ sở lưu trú đầy tiềm năng này.

    Bên cạnh việc thực tập thực tế, nhà trường có thể tổ chức một số chuyên đề học thực tế ngay tại doanh nghiệp. Một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là ngành giáo dục cũng cần có cơ chế xã hội hóa để khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành du lịch tham gia đào tạo để trở thành chuỗi tuần hoàn, nâng cao năng lực cho nhân sự ngành du lịch (Nhật Nam, 2019). Trong đó, nội dung lý thuyết sẽ được giảng dạy trước ở trường, còn nội dung thực hành hoặc học thực tế thì SV sẽ đến trực tiếp tại doanh nghiệp để trải nghiệm. Doanh nghiệp sẽ có vai trò hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm… để đào tạo thực hành dựa theo những nội dung kiến thức đã được trang bị từ trước (Lê Thị Lệ, 2019). Hoặc đơn giản hơn, trong các môn học thì giảng viên cũng nên đưa ra những nội dung để SV có thể chủ động thu thập dữ liệu, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp. Ví dụ như môn Quản trị cơ sở vật chất nhà hàng khách sạn, SV có thể được yêu cầu khảo sát hai đến ba khách sạn lớn trong Thành phố để làm bảng so sánh về quy mô và các hạng mục cơ sở vật chất cơ bản. Việc này giúp SV có cái nhìn thực tế hơn về những nội dung được học cũng như có cơ hội tiếp cận ở bước đầu với những không gian, môi trường mà các bạn sẽ làm việc trong tương lai.

    Các cán bộ giảng dạy cũng có thể nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng của mình thông qua những hoạt động thực tế tại doanh nghiệp. Bởi vì những giảng viên trong ngành du lịch phải có cả kiến thức lẫn khả năng thực hành nghề nghiệp để có thể tham gia một cách tốt nhất vào quá trình đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao (Malik và Vivek, 2018). Do đó, cần chú trọng đến việc khuyến khích tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ sở đào tạo để nâng cao tính thực tiễn trong nội dung giảng dạy (Phạm Trung Lương, 2016). Giảng viên khi tham gia hoạt động thực tế tại doanh nghiệp cũng có cơ hội để mở rộng thêm các mối quan hệ với nhân sự tại đó, tạo điều kiện cho sự liên kết trong quá trình đào tạo như đã nhắc đến ở nội dung trên.

    Cơ sở đào tạo khi tiến hành mời nhân sự đến từ các doanh nghiệp cần phải cân nhắc về những môn học hoặc nội dung sẽ chia sẻ với SV. Thông thường, với kinh nghiệm dày dặn trong nghề của các nhân sự đến từ doanh nghiệp thì những môn học liên quan trực tiếp đến kỹ năng nghề, các môn về nghiệp vụ hoặc các chuyên đề thực tế sẽ trở nên phù hợp hơn. Còn những môn học thuần về lý thuyết, lý luận hoặc nội dung cơ sở ngành nên được giảng dạy bởi các giảng viên của trường sẽ đảm bảo về mặt cơ sở lý luận cũng như thông tin, nội dung học thuật. Hoặc các giảng viên cũng có thể mời doanh nghiệp với vai trò như là một vị khách mời trong những buổi đánh giá sản phẩm, bài tập lớn hoặc những dự án liên quan trực tiếp đến chuyên môn của họ. Điều này sẽ giúp không khí buổi đánh giá thêm phần sinh động và cũng tạo sự khách quan, công tâm trong việc đánh giá SV.

  3. Kết luận

    Đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hiện nay, việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay, sự liên kết này vẫn chưa thật sự hiệu quả mặc dù đã được ghi nhận trong các văn bản Luật và các chính sách khác của Nhà nước. Trong khi đó, vai trò của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự ngành du lịch tại có ý nghĩa quan trọng, thể hiện chủ yếu thông qua ba khía cạnh: (1) hỗ trợ môi trường thực hành kỹ năng nghề nghiệp thực tế, (2) góp ý xây dựng chương trình đào tạo và (3) đầu tư cho việc đào tạo nhân lực. Những vai trò này đều nhằm hướng đến mục đích đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới có chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ để làm việc trong ngành du lịch.

    Cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia một cách tích cực, hiệu quả của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực du lịch. Về phía cơ sở đào tạo cũng cần đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp nhằm thực tiễn hóa nội dung giảng dạy cũng như đảm bảo đầu ra của quá trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường. Những nghiên cứu về sau có thể tập trung phân tích về hiệu quả thực tế của việc mời các nhân sự đến từ doanh nghiệp tham gia trong việc giảng dạy SV ngành du lịch bởi điều này mang lại những lợi ích đã nêu trong nội dung nghiên cứu nhưng cũng tiềm ẩn một số hạn chế về mặt nghiệp vụ sư phạm và cơ sở lý luận. Đó sẽ là tiền đề để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao hiện nay.

  4. Tài liệu tham khảo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020. Ban hành theo Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/09/2011.

Huỳnh Văn Thái và Võ Xuân Hậu (2020). Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số. Tạp chí Công Thương, 16.

Khan, N. A. (2008). Human Resource Development in Tourism Industry in India: A Case Study of Air India Ltd., New Delhi. El Periplo Sustentable, 14, 89-116.

Lê Thị Lệ (2019). Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Khí tượng Thủy văn, EME2, 76-85.

Malik, S. và Vivek. (2018). Importance of Training and Development in Tourism Industry. International Refereed Journal of Reviews and Research, 1, 11-19.

Nhật Nam (2019). Nhân lực ngành du lịch: Cầu tăng, cung chưa đáp ứng. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/29687, truy cập 19/05/2021.

Phạm Trung Lương (2016). Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập. Kỷ yếu hội thảo Brexit và cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập. Trường ĐH Văn Hiến.

Quốc hội Việt Nam (2012). Luật Giáo dục Đại học số 8/2012/QH13. Hà Nội, Văn phòng Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13. Hà Nội, Văn phòng Quốc hội.

Samiei, S. và Akhoondzadeh, M. (2013). The Role of Entrepreneurship in Tourism Industry Development. European Online Journal of Natural and Social Sciences, 3, 1423-1430.