Một số giải pháp khai thác giá trị của nghệ thuật đàn ca tài tử Nam bộ vào các chương trình du lịch

line
- GVHD: ThS. Nguyễn Thị Diễm Tuyết
- Sinh viên thực hiện: Lê Hồng Thuận
MỞ ĐẦU
1.1 Lý do chọn đề tài
   Trong những năm trở lại đây giá trị truyền thống của dân tộc ngày càng được chú trọng, trong đó phải kể đến nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Đó là một trong những di sản tinh thần của dân tộc đã được sáng tạo và truyền lại qua các thế hệ và vẫn còn nguyên những giá trị hết sức to lớn cho đến tận ngày nay. Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại tại thành phố Baku, nước cộng hòa Azerbaijan, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
   Khi xã hội phát triển, nhu cầu của con người ngày một tăng lên mà trong đó nhu cầu về các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, du lịch là các hoạt động không thể thiếu. Bên cạnh sự hiện diện của những giá trị hiện đại thì những giá trị truyền thống vẫn luôn nhận được sự quan tâm của những cá nhân và tổ chức trong các hoạt động trên. Làm thế nào để có thể đưa những giá trị nghệ thuật hết sức to lớn của nghệ thuật ĐCTT vào hoạt động du lịch nhằm khai thác một cách có hiệu quả những giá trị truyền thống đặc sắc của một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể hiện đại của nhân loại? Đó cũng chính là những trăn trở và lý do chúng tôi quyết định chọn và nghiên cứu về đề tài này.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu: Mục đích mà nhóm nghiên cứu muốn hướng đến là những giải pháp để có thể triển khai đưa ĐCTT vào biểu diễn phục vụ du lịch một cách “chuyên nghiệp” và đúng với giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Làm sao để ĐCTT giúp cho du lịch trở nên hấp dẫn hơn và ngược lại du lịch giúp quảng bá tốt hơn hình ảnh của nghệ thuật ĐCTT.
1.3 Đối tượng nghiên cứu: Các nghệ nhân biểu diễn ĐCTT; Các chương trình tham quan du lịch của các công ty du lịch.
1.4 Phạm vi nghiên cứu: Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
1.5 Nhiệm vụ nghiên cứu: Tìm ra biện pháp để giúp cho việc đưa ĐCTT vào hoạt động du lịch khoa học và bài bản hơn. Bên cạnh đó là những biện pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
1.6 Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp khảo sát thực tế; Phương pháp so sánh, đối chiếu.
NỘI DUNG
2.1. Giá trị của nghệ thuật ĐCTT và vai trò của nó cho phát triển du lịch
   ĐCTT Nam bộ là loại hình nghệ thuật vừa có tính bình dân, lại vừa mang tính chất bác học. Bình dân là ai cũng có thể tham gia, có thể chơi trong khả năng và thị hiếu thẩm mỹ của mình. Do tính bình dân, đại chúng của ĐCTT, phần lớn các câu lạc bộ và người chơi ĐCTT hoạt động theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Tính chất bác học của ĐCTT chính là sự quy củ, yêu cầu khắt khe, lớp lang chặt chẽ, có lý thuyết, có thực hành, thể hiện qua 20 bài bản Tổ do những nghệ nhân tài hoa trước đây dày công sáng tạo. Thế nhưng hiện nay, ngay cả ở những câu lạc bộ hoạt động ổn định, nhiều nghệ nhân ĐCTT, bao gồm cả nghệ nhân đờn và nghệ nhân ca, không phải ai cũng nắm vững và biểu diễn được hết những bài bản quy định. Và như thế, giá trị nghệ thuật của ĐCTT sẽ không được chuyển tải một cách đầy đủ đến người thưởng thức.
   Bởi là một dòng nhạc có xuất phát từ cung đình do đó cách biểu diễn ĐCTT khá đặc biệt và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, trình độ thực sự. Tại Việt Nam có 3 loại hình nghệ thuật có xuất xứ từ nhạc cung đình đó là Nhã nhạc Huế, Ca trù và ĐCTT. Nhưng khác với 2 loại hình Nhã nhạc và ca trù người hát chính thường là nữ, trong nghệ thuật đờn ca thì nam và nữ có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau.
   Dàn nhạc của ĐCTT có nhiều nhạc cụ hơn dàn nhạc của ca trù và ca Huế. Trước đây, dàn nhạc ĐCTT sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kim, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và nói lối của người ca. Người đàn dùng rao - người ca dùng lối nói – để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn. Đây cũng là điểm tạo sự mới lạ, hấp dẫn, cuốn hút của loại hình nghệ thuật dân tộc này.
    Bài bản của ĐCTT
   ĐCTT có một số lượng bài bản rất phong phú và đa dạng. Ngoài việc sử dụng một số bài bản trong nhạc lễ, còn có các bài từ ca Huế, dân ca miền Trung, miền Nam, và một số lượng lớn do các nghệ nhân bậc thầy sáng tác và cải biên.
   Do đặc tính ngôn ngữ và sinh hoạt riêng của người miền Nam mà nhạc miền Trung được phát triển đặc biệt trong nhạc tài tử. Một số bài nổi tiếng được nhiều người biết đến như: bài Bình Đán của ca Huế được phát triển thành Bình Đán Văn trong nhạc tài tử, Lưu Thủy của Huế được cải biên thành Lưu Thủy Đoàn, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản,…
Những nét đặc thù của nghệ thuật ĐCTT
2.1.2.1. Rao
   Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công ĐCTT luôn có câu rao theo hơi đó, một mặt dẫn thính giả đi lần vào điệu, vào hơi để nghe bản đàn, đồng thời cũng là lúc nghe thử cây đàn có phím nào lệch hay dây đàn cứng quá hoặc mềm quá không, để lúc biểu diễn tiếng nhạc được hoàn chỉnh hơn.
2.1.2.2.Chữ nhạc
   Mỗi chữ nhạc không có cao độ tuyệt đối, chỉ có cao độ tương đối, cũng không có cao độ cố định mà có thể là một chữ đờn “non” hay “già”. Nhiều chữ nhạc trong bản đàn được tô điểm bằng cách nhấn nhá, rung, mổ. Bàn tay mặt tạo ra những thanh có cao độ, trường độ, cường độ, màu âm, nhưng đó chỉ mới là cái “xác” của âm nhạc; phải nhờ bàn tay trái rung, nhấn để tạo nên cái “hồn” làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật.
2.1.2.3. Những cách tô điểm đặc thù
   Thường thì trong các loại nhạc tô điểm là điều không bắt buộc, nhưng trong nhạc tài tử, chính những cách tô điểm đặc thù, nhứt là cách đờn chữ “xang”, định rõ được các hơi Bắc, Quảng, Xuân, Ai khác nhau như thế nào.
2.1.2.4. Cấu trúc âm thanh
   ĐCTT có cấu trúc “động và mở” thay vì “tịnh mà đóng” như phương Tây.
2.1.2.5. Phát triển và vận hành giai điệu
   Khi hòa đàn, người ĐCTT không bao giờ lập lại y khuôn lòng bản như thầy đã dạy mà phải dựa theo quan điểm thẩm mỹ học chân phương, đàn hoa lá.
   Ngoài ra lại còn có giao dịch: khi có sự gặp gỡ của hai yếu tố thì phải thay đổi để không đi đến xung đột. Hòa đàn tài tử cũng vậy: nếu tỳ bà hòa với đàn kìm, vì cả hai có màu âm gần giống nhau nên thường thì đàn kìm chơi nhịp nội trong khi tỳ bà đàn nhịp ngoại để có sự hòa hợp.
2.1.2.6. Bài bản
   Theo thường ĐCTT có 20 bài tổ, tuy không phải người ĐCTT nào cũng thuộc đầy đủ hay khi hoà đàn cũng không bắt buộc phải chơi hết 20 bài, nhưng các nghệ sĩ đều phải biết tên các bài đó bao gồm: 6 bài Bắc, 3 bài Nam, 4 bài Oán và 7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò).
   Ngày xưa buổi hoà nhạc bắt đầu bằng những bản đàn, bài ca điệu Bắc, hơi Bắc vui tươi; tiếp theo chuyển sang hơi Quảng, hơi Nhạc, hơi Hạ; rồi qua điệu Nam, hơi Xuân, hơi Ai, qua Đảo ngũ cung. Phần cuối bao giờ cũng chuyển qua hơi Oán, Ai Oán và Vọng cổ là những điệu buồn vẫn được người nghe chuộng hơn những bài vui.
   Thực trạng khai thác nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào hoạt động du lịch
   Việc khai thác ĐCTT vào hoạt động du lịch là một xu thế tất yếu của thời đại nhưng vấn đề là đưa di sản văn hóa này vào hoạt động du lịch như thế nào để có thể thực sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động du lịch. Ngành du lịch tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi với nhiều du khách trong và ngoài nước về các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có các nghệ nhân ĐCTT; kích thích thêm sự phát triển của việc học tập, kế thừa bảo tồn các loại hình nghệ thuật.
   Tuy nhiên việc khai thác và biến ĐCTT Nam bộ thành một sản phẩm du lịch một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc, có thể dẫn tới nguy cơ làm sai lệch bản chất, vẻ đẹp thanh tao và hạ thấp giá trị của ĐCTT.
2.2.1. Thiếu tổ chức chuyên nghiệp
   Những biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT chưa được quan tâm đúng mức, công tác triển khai thiếu đồng bộ. Nghệ nhân ĐCTT phần lớn đều nghèo, nghề nghiệp không thể nuôi sống bản thân và gia đình nên rất ít người chấp nhận “dấn thân” theo đuổi. Việc truyền nghề và “giữ lửa” nghệ thuật ĐCTT cũng ngày càng bị mai một vì sự thiếu ưu ái của xã hội, trong khi những trường lớp đào tạo chính quy loại hình nghệ thuật này không thu hút được nhiều thí sinh. Việc thiết kế chương trình ĐCTT phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn, số lượng nhạc cụ tối thiểu của các ban nhạc, tính cộng đồng trong biểu diễn, giao lưu của nhóm biểu diễn với du khách, nội dung các bài ca, sử dụng các bài bản, chế độ thù lao cho các ban ĐCTT,… vẫn còn nhiều bất cập.
   Ví dụ:
   Các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở Tiền Giang hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, do không có kinh phí nên thành viên trong các Ban chủ nhiệm CLB không có khoản hỗ trợ nào. Hiện nay, hàng tháng ngành Văn hóa hỗ trợ cho các CLB ĐCTT dao động từ 250 ngàn đồng đến 500.000/tháng. Chị Phan Thị Kim Phương, cố vấn Ban Chủ nhiệm CLB ĐCTT Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) tâm tư: Mấy năm trước, xã chỉ hỗ trợ cho CLB 100.000/tháng, thậm chí có lúc không có kinh phí, lãnh đạo xã còn “động viên” CLB chỉ sinh hoạt 3 tháng/lần. CLB ĐCTT của xã thường đi giao lưu với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, tới đâu đơn vị chủ nhà cũng lo chu đáo. Do đó khi CLB ĐCTT của xã mời các đơn vị khác đến giao lưu thì cũng phải lo lại cho tươm tất. Chính vì vậy, khi chị Kim Phương còn làm Chủ nhiệm CLB ĐCTT Tân Hòa Thành, mỗi lần mời CLB ĐCTT của các đơn vị bạn đến giao lưu thì chị phải móc tiền túi bỏ ra thêm để lo bữa ăn tối, nước uống,... cho các nghệ nhân. Chú Cao Văn Cừ, chủ nhiệm CLB ĐCTT Phú Mỹ (huyện Tân Phước) day dứt: hàng tháng xã hỗ trợ cho CLB 500.000VNĐ. Số tiền ấy chủ yếu để tổ chức ăn uống sau khi biểu diễn, còn các khoản xăng xe, trang phục, hóa trang,... thì các tài tử đều phải tự trang bị.
2.2.2. Công ty du lịch chưa chú ý đến ĐCTT Nam bộ
   Theo tìm hiểu ở các công ty du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các chương trình du lịch hiện nay xem ĐCTT chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể một chương trình hoàn chỉnh. Chưa có đơn vị nào thiết kế hay tổ chức một chương trình du lịch mang tính chuyên sâu lấy ĐCTT làm trọng tâm. Chưa có công ty du lịch nào xem ĐCTT là một điểm nhấn thật sự trong hoạt động kinh doanh của mình. Do vậy, du khách chỉ được “cưỡi ngựa xem hoa” ĐCTT thôi. Chính vì điều đó gây không ít khó khăn trong việc tiếp cận loại hình nghệ thuật này.
   Các công ty kinh doanh du lịch hiện nay cũng gặp khó khăn về nguồn lực, về nhân sự đủ khả năng để thiết kế các chương trình du lịch mang tính chuyên sâu quảng bá đầy đủ những giá trị nghệ thuật của loại hình này.
   Ví dụ:
   Tiên phong triển khai các sản phẩm du lịch gắn với ĐCTT, nổi bật có công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist vừa triển khai tour liên tuyến Đồng Tháp - Cần Thơ - Cà Mau - Bạc Liêu 4 ngày với điểm nhấn chính là đưa du khách đi Bạc Liêu xem Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - năm 2014 (diễn ra từ 20 – 25.4). Tham gia tour, du khách sẽ được hòa vào không khí ĐCTT với tiếng đàn kìm, đàn bầu đẩy đưa điệu xàng xê, câu vọng cổ,...
   Dù đã có những chương trình gắn với ĐCTT như trên nhưng cũng chỉ mang tính “thời vụ” chưa có những chương trình liên tục, để phục vụ đối tượng du khách có nhu cầu tìm hiểu và khám phá những giá trị nhân văn của loại hình nghệ thuật này.
2.2.3. Địa phương chưa chú trọng việc phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào phát triển du lịch
   Qua thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay những tỉnh thành có nghệ thuật ĐCTT phát triển, số nghệ nhân giỏi nghề, chơi đúng bài bản, phong cách nhạc tài tử chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số vẫn còn ở trình độ "tài tử", chỉ biết đờn và ca bài vọng cổ. Các nghệ nhân lớn tuổi, đờn giỏi ở địa phương hầu hết đều đã qua đời. Các nghệ nhân trẻ thì chỉ biết đờn tài tử bập bõm với một số bài bản nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này là do lâu nay ĐCTT được biểu diễn ở các nhà hàng, quán nhậu, điểm du lịch, đám tiệc, giỗ chạp,... với những bài bản "tài tử pha cải lương" nên người thưởng thức (nhất là lớp trẻ) rất dễ có cái nhìn sai lệch, thiếu chiều sâu về nghệ thuật ĐCTT. Nguyên nhân thứ hai là do ĐCTT chỉ tồn tại ở dạng tự thân vận động, Nhà nước chưa có chính sách đãi ngộ, chưa có chương trình đào tạo bài bản, có hệ thống, nên sự mai một nghề nghiệp của loại hình này là điều không tránh khỏi.
   Ví dụ:
   Theo ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang: Cách đây khoảng 5 năm, Trung tâm có phối hợp nghệ nhân Minh Tô mở các lớp ĐCTT. Dù lớp ít học viên, nhưng vì lòng đam mê nghề nên nghệ nhân Minh Tô vẫn duy trì lớp đều đặn. Sau khi nghệ nhân Minh Tô mất, trung tâm có phối hợp với các nghệ nhân khác mở lớp, nhưng không duy trì được do học viên ít, nghệ nhân không muốn dạy vì nguồn thu không đảm bảo. Năm 2011, trung tâm mở được 1 lớp dạy ĐCTT tại khu vực Cai Lậy, thu hút 57 học viên của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước,... đến học. Học viên tham gia được miễn phí hoàn toàn, học mỗi tuần từ 1 - 2 ngày, thời gian 6 tháng. Để mở lớp ĐCTT, trung tâm phải lo kinh phí để bồi dưỡng cho nghệ nhân. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đến năm 2012, trung tâm mới mở thêm 1 lớp ĐCTT ở phía Đông. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Minh thừa nhận: Hiện nay, việc đào tạo nghệ sĩ ĐCTT chỉ thông qua 3 hình thức chủ yếu. Thứ nhất, đào tạo qua hình thức CLB, nhóm những người có cùng sở thích tổ chức dạy với nhau. Thứ hai là các nghệ nhân tổ chức dạy tại nhà theo hình thức truyền nghề. Thứ ba là Hội Văn học - Nghệ thuật và trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh có mở những lớp tập huấn ngắn hạn, chủ yếu dành cho những đối tượng đã có kiến thức cơ bản về ĐCTT. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì các lớp tập huấn dạng này cũng không nhiều.
   Địa phương cũng có những khó khăn riêng của mình trong công tác giữu gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Đó là sự thiếu hụt về kinh phí, không gian tổ chức, đội ngũ những nghệ nhân có sự am hiểu sâu rộng đủ sức truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau, do ảnh hưởng của sự phát triển một cách ồ ạt các loại hình nghệ thuật khác mang tính phong trào, ngoại lai nhưng lại gây được sự chú ý đối với giới trẻ,…
   Một số giải pháp khai thác ĐCTT Nam bộ vào chương trình du lịch
2.3.1. Các cơ quan chức năng địa phương
   Để tiếp tục tìm biện pháp nâng cao chất lượng ĐCTT phục vụ khách du lịch chúng ta cần triển khai nhanh chóng một số việc như: thiết kế chương trình ĐCTT phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn, số lượng nhạc cụ tối thiểu của các ban nhạc, tính cộng đồng trong biểu diễn, giao lưu của nhóm biểu diễn với du khách, nội dung các bài ca, sử dụng các bài bản, chế độ thù lao cho các ban ĐCTT,...
   - Mở lớp dạy ĐCTT miễn phí cho lực lượng hoạt động ĐCTT trong các địa phương . Phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho ĐCTT, sưu tầm các bài bản gốc, các bài viết - nghiên cứu có giá trị in thành tập sách phổ biến cho phong trào.
   - Xây dựng chương trình ĐCTT biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ hội, các bài bản đờn thu vào đĩa CD, DVD cung cấp cho các CLB, đội, nhóm ĐCTT trong tỉnh và phổ biến rộng rãi trong phong trào. Tổ chức "Liên hoan ĐCTT" trên sóng phát thanh - truyền hình. Hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ cho các đội ĐCTT tiêu biểu trong tỉnh. Xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động ĐCTT - cải lương, gắn với hoạt động du lịch...
   Nếu cần thiết chúng ta có thể đưa bộ môn này vào chương trình giáo dục như một môn học tự chọn để thế hệ trẻ có đam mê tìm hiểu và học hỏi có cơ hội tiếp cận một cách thiết thực nhất.
2.3.2. Các cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương
   Thiết kế chương trình ĐCTT phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước: Các chương trình phải thật sự có chất lượng, chiều sâu, mang tính dân tộc. Tuy nhiên phải đòi hỏi sự gần gũi và dễ hiểu, dễ cảm nhận. Tùy vào từng đối tượng du khách mà có những chương trình phù hợp với thực tế.
   Không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn: Không gian dùng để biểu diễn cần phải thoáng đãng, thoải mái, tạo sự thích thú cho du khách. Không cần cầu kỳ trong cách sắp xếp bố cục sân khấu, giúp cho khán giả và người nghệ nhân biểu diễn có sự gần gũi và gắn kết với nhau trong suốt buổi biểu diễn.
   Giao lưu của nhóm biểu diễn với du khách: Khác với những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nghệ thuật ĐCTT có sự giao lưu giữa người biểu diễn với người nghe, trong quá trình biểu diễn nên tạo cho du khách sự giao lưu, tạo cho họ sự hứng khởi để cùng tham gia hòa mình cùng không khí của buổi gặp gỡ và thưởng thức đờn ca.
   Nội dung các bài ca, sử dụng các bài bản: Nội dung các bài ca nên có sự thay đổi cho phù hợp với hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những bài ca đã được công nhận do những nghệ nhân để lại, nên có những đổi mới để thu hút nhiều đối tượng du khách.
   Chế độ thù lao cho các ban ĐCTT: Nên có những chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn ĐCTT. Hiện nay những nghệ nhân, nghệ sỹ biễu diễn vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ xứng đáng với công sức của họ. Điều đó cũng gây khó khăn cho những người trực tiếp tham gia biểu diễn và góp phần tạo sự thu hút đến du khách.
2.3.3. Các công ty du lịch
   Các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có sự mạnh dạn trong việc đưa các chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTT vào chương trình của công ty mình, biến những chi tiết phụ trở thành điểm thu hút chính đối với du khách. Phải có sự phối hợp với địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch tạo nên một hệ thống: Công ty tìm nguồn khách – cơ sở kinh doanh giới thiệu nghệ thuật ĐCTT đến du khách – địa phương hỗ trợ để những họat động trên phát triển một cách đồng bộ có hiệu quả à Phải có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ.
2.3.4. Đối tượng du khách hướng đến trong các chương trình du lịch
   Khách nội địa
   Du khách thưởng thức ĐCTT tại những điểm du lịch với thời lượng ngắn thì đội ĐCTT phục vụ thường là những bài sương chiều, xuân tình,  tú anh, nam ai, ngựa ô nam, ngựa ô bắc, khóc hoàng thiên,… và vài câu vọng cổ thì thật ra chưa thể hiện toàn bộ ĐCTT Nam bộ. Nếu du khách lưu trú thời gian dài, cùng sinh hoạt với người dân địa phương thì khi thưởng thức ĐCTT phải hết bài để đúng nghĩa với cái tên của nó là “ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài, bốn Oán” và những bài oán phụ.
   Du khách đến và cảm nhận một cách gần gũi nhất những nét đặc sắc mà sâu lắng của loại hình nghệ thuật đã được đúc kết và lưu giữ qua biết bao thế hệ con người Nam bộ chân chất hiền hòa. Đó là tinh túy của cả một vùng đất, là đại diện cho khí chất con người Việt Nam hiền hòa, yêu chuộng hòa bình và cuộc sống giản dị bên cạnh sự sôi nổi của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Khách quốc tế
   Tại các điểm du lịch du khách ngoại quốc đa phần là họ không nghe được lời Việt, nhưng với sự diễn tả điệu bộ, nét mặt vui, buồn, trầm lắng của những nghệ nhân ca, cộng với âm điệu ngọt ngào của từng điệu nhạc làm họ cũng say sưa thưởng thức và khen ngợi, để lại trong lòng những ấn tượng khó phai.
   ĐCTT có sức hút du khách gần xa và mãi là loại hình văn hóa của nhân loại đã níu kéo khách lưu lại và hẹn ước ngày trở lại. Du khách về với miền quê hương sông nước mến yêu để khám phá du lịch miệt vườn với những danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc nghệ thuật, những làng nghề truyền thống, tìm hiểu về những loại hình văn hóa, nghệ thuật, những vườn dừa xanh ngát, vườn cây trĩu quả, tiếp xúc con người thân thiện, nồng hậu và mến khách,… chắc chắn rằng quý khách sẽ thưởng thức, trải nghiệm một chuyến tham quan tuyệt đẹp của quê hương bình yên rợp bóng cây xanh.
KẾT LUẬN
   Tổ chức UNESCO đã vinh danh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi thêm để bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn - sâu rộng hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là một vùng quê hiền hòa - trù phú, một vùng sông nước mênh mang - lúa thơm trái ngọt và luôn đồng vọng tiếng đờn lời ca sâu nặng nghĩa tình.
Việc khai thác giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào các chương trình du lịch sẽ góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy có những khó khăn nhưng chúng ta tin tưởng rằng với những nỗ lực không ngừng, trong tương lai không xa du lịch Việt Nam sẽ được đông đảo bạn bè thế giới biết đến nhờ những giá trị đặc sắc của các loại hình nghệ thuật dân tộc mà tiêu biểu là nghệ thuật ĐCTT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Thanh Bình (2004), ĐCTT– tiếng tự tình dân tộc, Thông báo Khoa học, Viện Âm nhạc.
[2] Hoàng Đạm (2003), Hòa tấu biến hóa Lòng bản âm nhạc cổ truyền người Việt, Viện Âm nhạc.
[3] Trần Văn Khê (1969), Vài cái hay cái dở trong nhạc Việt (Lối ca Huế và đàn tài tử), Tạp chí Bách Khoa
[4] Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007),Sân khấu Cải lương, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
[5] Vũ Nhật Thăng (1993),  Một cách hiểu về Điệu và Hơi trong nhạc Cải Lương - Tài tử, Tạp chí Âm nhạc.
[6] Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc
[7] chinhphu.vn
[8] mdta.com.vn
[9] svhttdl.hochiminhcity.gov.vn
[10] viettravel.com
[11] melinhmedia.com . Theo Quân đội nhân dân
[12] vhnth.edu.vn . Theo NLH – disanthegioi.info
[13] vietnamtourism.com
[14] mekongculture.com.
[15] festivaldoncataituquocgia.baclieu.gov.vn
[16] vietnamplus.vn
[17] baobaclieu.vn
[18] dulich.laocai.vn
[19] dantri.com.vn
[20] bentre.gov.vn
 
 
 
Góp ý