MỘT SỐ ĐỀ XUẤT THÚC ĐẨY DU LỊCH SINH THÁI NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH ỨNG PHÓ VỚI TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

line
08 tháng 05 năm 2024

I. Tổng quan

  1. Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả được ghi nhận, đóng góp cho sự phát triển chung của du lịch toàn cầu và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Năm 2017, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trong top 10 thế giới và đứng đầu Châu Á. Tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, đóng góp khoảng 10 GDP của cả nước, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng trên mười phần trăm mỗi năm, thúc đẩy các sản phẩm du lịch và loại hình dịch vụ mới phát triển đa dạng, tạo nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

  2. Trong định hướng chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam, trên cơ sở lợi thế so sánh về tài nguyên, du lịch sinh thái luôn được xác định là một trong năm dòng sản phẩm chủ đạo cần tập trung phát triển. Trên cơ sở thế mạnh và nét đặc trưng riêng của 7 vùng sinh thái hình thành trên phạm vi cả nước, mỗi khu vực, tỉnh/thành phố khai thác các thế mạnh đặc thù để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái phù hợp.

Theo khái niệm chung nhất, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn vớigiáo dục môi trường đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trên phạm vi toàn cầu, du lịch sinh thái là một trong những hình thái phát triển nhanh nhất của ngành du lịch hiện nay. Du lịch sinh thái dường như là hình thái du lịch đầu tiên nhằm vào các vấn đề bền vững trong du lịch, và có ảnh hưởng lớn trong việc xanh hóa ngành du lịch, thông qua nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phúc lợi của cộng đồng địa phương đối với sự thành công của ngành du lịch.

Với thế mạnh của nước ta là đa dạng hệ sinh thái, đa dạng sinh học về loài cao, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng môi trường khá nhạy cảm, du lịch sinh thái được Việt Nam nhìn nhận là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường ở các khu thiên nhiên còn tương đối hoang sơ với mục đích thưởng ngoạn thiên nhiên và cả giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại, thúc đẩy công tác bảo tồn, có ít tác động tiêu cưc đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế- xã hội cho cộng đồng địa phương

Du lịch sinh thái đã trở thành một trong những hình thái du lịch phát triển nhanh trên phạm vi toàn cầu do sự quan tâm ngày càng tăng đối với các vấn đề môi trường, bảo tồn cũng như phát triển; con người muốn được học hỏi và trải nghiệm thực tế những gì họ nghe thấy, nhìn thấy và đọc được qua các phương tiện truyền thông, muốn đóng góp vào công việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng; du khách mong được đến những điểm du lịch mới lạ, nguyên sơ, đến những nơi gần gũi với thiên nhiên hơn để thư giãn, tìm hiểu và sẵn sàng tham gia bảo vệ môi trường, các loài tự nhiên xung quanh.

  Hiện nay, hầu hết các chương trình du lịch đến các vùng thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam mới chỉ ở tình trạng đại trà hoặc du lịch thiên nhiên, ít mang tính bền vững, gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên từ các hoạt động của du khách và có tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương. Sự tăng trưởng nhanh của lượng khách du lịch dẫn đến việc dịch vụ không kịp đáp ứng và không có thời gian thích hợp để nâng cao nhận thức trong hoạt động du lịch sinh thái và vì vậy, các sản phẩm du lịch sinh thái đã bị trộn lẫn với các hoạt động giải trí đơn thuần như karaoke và các trò chơi khác. Các khu bảo tồn, điểm du lịch chính đối với khách du lịch sinh thái, thường có ít hoặc không có khả năng quản lý du lịch và du lịch ít khi được đưa vào kế hoạch quản lý của các khu này, điều đó dẫn đến tình trạng không kiểm soát được số lượng và hoạt động của du khách trong các vườn quốc gia.

Trong kinh doanh, rất ít doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái thật sự. Đa số các cơ sở bán “tour du lịch sinh thái” hiện nay thực chất là cung cấp các tour đi các vùng có khung cảnh thiên nhiên - họ chủ yếu “tô xanh” sản phẩm vì các tour của họ không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào của du lịch sinh thái. Trình độ nhận thức về môi trường hiện nay của công chúng ở Việt Nam còn thấp, điều đó dẫn tới các hành vi thiếu trách nhiệm của rất nhiều du khách trong nước khi tới thăm các điểm du lịch thiên nhiên.

  3. Trong du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp là một trong những nhóm sản phẩm chủ đạo. Khung cảnh nông thôn, hoạt động canh tác nông nghiệp, tri thức và văn hóa truyền thống các làng quê ở nông thôn, sản vật tươi ngon và khác lạ… là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch.

  Theo đặc trưng của hệ sinh thái nông nghiệp tại các vùng sinh thái, vùng dân cư, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã được khai thác tốt, phát huy giá trị và trở thành các nét đặc trưng cho sản phẩm du lịch của các địa phương như: du lịch sinh thái miệt vườn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái biển tại các khu nuôi hải sản tại Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), làng trồng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng trồng hoa và cây ăn trái công nghệ cao ven Đà Lạt (Lâm Đồng), làng vải Thanh Hà (Hải Dương), làng trồng nho Ninh Thuận…

  Trong những thập niên gần đây, trào lưu xây dựng vùng chuyên canh, trang trại chuyên canh nông nghiệp phát triển đã tạo nên nhiều sản phẩm mới thu hút khách du lịch đến với du lịch sinh thái nông nghiệp như các trang trại trồng hoa tại Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng)…, đồng thời nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tạo dựng lễ hội để quảng bá, thu hút khách du lịch như lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), lễ hội Na (Lạng Sơn), mận Mộc Châu (Sơn La), cây trái Nam Bộ (các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long)…

Thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, nhiều địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề tại nhiều vùng, miền đã tăng thêm giá trị thông qua giao dịch và tiêu thụ trực tiếp của khách du lịch không cần qua phân phối, giá trị gia tăng cao… đã tác động tích cực đến cuộc sống, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, dưới góc độ khác, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều “khu du lịch sinh thái” tại vùng nông thôn thực chất chỉ là các điểm nghỉ ngơi, giải trí… trong khung cảnh nông thôn, dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp, đặc biệt là không hề có hoạt động nào để nâng cao nhận thức về môi trường và có đóng góp cho cộng đồng dân cư địa phương theo các nguyên tắc phát triển của du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sản vật địa phương, công tác quản lý canh tác và bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý trật tự, an toàn xã hội có nhiều nơi chưa được chú trọng dẫn đến làm mất lòng tin của khách du lịch và sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp cũng như những cố gắng của chính quyền, nhân dân địa phương không phát huy được hiệu quả.

4. Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu ra đời năm 1992 là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để các nước cùng chung sức đối phó với thách thức này. Việt Nam đã tham gia Công ước ngày 16/11/1994 và ký tham gia Nghị định thư Kyoto (kèm theo Công ước khung về biến đổi khí hậu) năm 1998.

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi chế độ nhiệt, chế độ nước trên trái đất. Trong thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất tăng và có sự chuyển dịch các đới khí hậu. Đây là  hai trong số các hậu quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nhiều hơn, nhưng lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian và làm cho nhiều nơi trên trái đất bị lũ lụt, trong khi nhiều khu vực bị hạn hán nghiêm trọng.

Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,5-4,5oC trong vòng 100 năm tới. Trong thế kỷ trước, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã dâng lên khoảng 15 cm; dự đoán đến năm 2030, mực nước biển sẽ dâng thêm 18 cm nữa. Nếu tiếp tục xu thế phát thải khí nhà kính như hiện nay thì mức dâng lên của mực nước biển vào năm 2100 có thể tới 65 cm so với hiện nay. Mực nước biển dâng lên có thể làm nhiễm mặn các nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất và đời sống, đe doạ các quốc gia và vùng đất thấp. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ nước biển dâng.

Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển du lịch, tác động xấu đến tài nguyên du lịch. Hiện tượng Elnino ngày càng có tác động mạnh, nhiệt độ gia tăng và nắng gắt, khô hạn đã gây ảnh hưởng tới mực nước của các con sông, lòng hồ, khe suối,…vốn được dùng để khai thác du lịch đường sông hoặc cảnh quan du lịch. Mùa bão kéo dài và dịch lùi dần về các tháng cuối năm, quỹ đạo của các cơn bão cũng có xu hướng chuyển dần về các vĩ độ phía Nam và mang nhiều yếu tố bất thường. Các địa phương duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng khoảng 70% tổng số các cơn bão đổ bộ vào nước ta, trong đó, 60 - 65% số cơn bão có sức mạnh từ cấp 8 - cấp 12 kèm với triều cường nên hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng. Mưa to với mật độ dày gây ra ngập lụt các đoạn đường đến các địa điểm du lịch, làm mất đi cảnh quan sinh thái. Các vùng có lượng mưa mùa khô giảm, đặc biệt là Tây Nguyên, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ gây ra hạn hán nặng nề vào mùa khô. Hiện tượng xâm thực đường bờ biển diễn ra khá nhanh và khắc nghiệt, điển hình là tại khu vực reort Ana Mandara (Thừa Thiên Huế) và Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam). Tại hai đảo có giá trị cao trong khai thác phát triển du lịch như Phú Quốc và Côn Đảo, lượng mưa giảm dẫn đến lượng nước ngọt giảm, các hồ chứa nước khô cạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và hoạt động du lịch trên đảo.

 Theo kịch bản biến đổi khí hậu, dự tính khoảng 20 - 30% các loài thực vật và động vật được đánh giá là ở trong tình trạng nguy cơ bị tiêu diệt tăng lên. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, trong 50 năm trở lại đây, tần suất xảy ra các đợt nắng nóng đã tăng từ 2-4 lần. Nhiều khả năng trong 40 năm tới, số lượng các đợt nắng nóng sẽ tăng 100 lần. Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 1,5 - 2,5oC, kết hợp với hàm lượng khí CO2 trong khí quyển tăng, sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái, sự tương tác sinh thái của các loài và sự phân bố địa lý của chúng, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng, một số loài có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới bị mất đi dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học.

Hệ sinh thái biển và ven biển bị thay đổi do mực nước biển dâng, nhiệt độ và độ mặn thay đổi cùng với những thay đổi về dòng chảy, sóng, biên độ thủy triều, xâm nhập mặn và xói lở bờ biển. Các rạn san hô rất dễ bị tổn thương do nhiệt độ nước biển tăng lên, san hô bị biến màu thành trắng và chết hàng loạt như ở Phú Quốc (56.6%). Vùng đất ướt ven biển bao gồm cả đầm lầy và rừng ngập mặn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do mực nước biển dâng. Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong số 10 thành phố bị ngập lụt nhất thế giới dưới tác động của nước biển dâng. Tại Hải Phòng, trong 1 thập kỷ qua, mực nước biển đã tăng cao hơn 20cm. Nước biển dâng đã làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn/các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước, các sinh cảnh tự nhiên. Vùng cửa sông, ven biển Đồng bằng Nam Bộ từ Vũng Tàu đến Hà Tiên với chiều dài trên 700km có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi mức nước biển dâng lên cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng mức quốc gia, sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu và nội địa, giết chết nhiều loài động và thực vật nước ngọt của hệ sinh thái quan trong này và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng.Biến đổi khí hậu đã góp phần làm cho Động Phong Nha trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị ngập lụt vào mùa mưa thường niên. Nước lũ đã va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang.

 Dưới góc độ nhân văn, biến đổi khí hậu mà một trong những biểu hiện nghiêm trọng là nước biển dâng tạo nên xâm nhập mặn tại những vùng thấp, ven biển. Do vậy, nền văn minh lúa nước sẽ bị ảnh hưởng, mai một. Mặt khác, nước biển dâng sẽ làm mất đi nơi sinh sống của các cộng đồng lâu đời tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nét văn hóa, truyền thống đã và đang được khai thác du lịch.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai (bão lụt, lũ quét, hạn hán, sạt lở) xảy ra với cường độ và tần suất cao, làm mất đi các hệ sinh thái nông nghiệp các vườn hoa, cây cảnh…, tác động xấu đến cảnh quan. Quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến tập quán canh tác cũng như sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc miền núi, đặc biệt là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…

II. Một số giải pháp đề xuất

Trên cơ sở tiềm năng và thực tiễn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, kịch bản biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó của ngành du lịch, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này như sau:

1. Lồng ghép nội dung du lịch sinh thái nông nghiệp trong quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương

Để bảo đảm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế một cách đồng bộ và phát triển bền vững, du lịch sinh thái nông nghiệp cần được xác định rõ trong các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch du lịch, quy hoạch phát triển làng nghề và sản phẩm đặc trưng và các quy hoạch chuyên ngành khác. Với các định hướng phát triển đồng bộ các lĩnh vực, gắn với kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ đảm bảo quá trình phát triển phát huy được hiệu quả đồng bộ cả về du lịch, sản phẩm nông nghiệp với phương thức canh tác phù hợp, sản phầm làng nghề… Căn cứ kế hoạch tổng thể, chính quyền và cơ quan quản lý các cấp sẽ có phương án chỉ đạo cụ thể đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả các nguồn lực và khai thác tốt lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm đặc thù gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, phát huy giá trị và tạo khác biệt, tránh trùng lắp

Giá trị hàng hóa của các sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm nông nghiệp chỉ phát huy tốt, có giá trị gia tăng cao khi thể hiện được tính đặc thù, sự khác biệt. Vì vậy, căn cứ vào kế hoạch tổng thể theo định hướng dài hạn, cần có kế hoạch rõ ràng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đặc thù trên cơ sở kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, ví dụ như các loại nông sản đã có thương hiệu trên thị trường, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Công tác chỉ đạo và thực hiện kế hoạch cần tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan để bảo đảm chất lượng, thương hiệu lâu dài. Mặt khác, kế hoạch tổng thể dài hạn được quản lý thực hiện tốt sẽ kịp thới ứng phó với các xu thế biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại. 

3. Kế hoạch, chương trình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cần gắn bó mật thiết với dự báo tác động của biến đổi khí hậu

Hoạt động du lịch nhìn chung đều bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như mưa, bão, lũ… do liên quan đến các hoạt động ngoài trời, chuyến đi của du khách. Đặc biệt, đối với du lịch sinh thái nông nghiệp thì các sản phẩm phần lớn được xây dựng trên cơ sở kết quả hoạt động canh tác nông nghiệp, vì vậy càng chịu tác động mạnh hơn. Vì vậy, trong việc phát triển loại hình sản phẩm du lịch này, công tác dự báo tác động của biến đổi khí hậu rất quan trọng. Nâng cao ứng dụng dự báo thời tiết (cả dài hạn và ngắn hạn) để điều chỉnh kịp thời hoạt động quảng bá, chương trình du lịch cụ thể là công việc rất cần được quan tâm và áp dụng đối với cả những người quản lý, người dân địa cung cấp sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp lữ hành.

4. Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm

Kinh nghiệm thực tiễn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cho thấy rằng thông qua du lịch, giá trị hàng hóa của nông sản gắn với cảnh quan nông thôn, truyền thống văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương được gia tăng nhiều lần so với giá trị hàng hóa thuần túy của nông sản, sản vật địa phương. Điều này chỉ phát huy hiệu quả khi các sản phẩm đó mang tính đặc trưng cao, chất lượng đảm bảo, đồng thời được giới thiệu thông tin chi tiết, đầy đủ đến với khách du lịch qua các hình thức truyền thông. Vì vậy, việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với giá trị sản phẩm với các dịch vụ đi kèm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch.

5. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, phân phối sản phẩm

Thông tin về các nông sản, sản phẩm thủ công gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp thường ít được phổ biến. Trong bối cảnh công cụ và phương tiện thông tin, truyền thông phát triển như hiện nay, việc tăng cường quảng bá thông tin qua các hình thức tương tác sẽ phát huy hiệu quả lan truyền theo diện rộng và tạo cảm hứng trải nghiệm, khám phá đối với khách du lịch. Khách du lịch tiêu thụ các sản phẩm tại địa điểm sản xuất ra hàng hóa đã góp phần giảm bớt chi phí phân phối sản phẩm cho các nhà sản xuất, vì vậy những người sản xuất hàng hóa trực tiếp cần tăng cường chi phí đầu tư cho các hoạt động quảng bá, phân phối. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm cần quan tâm hỗ trợ, chuyển giao công nghệ quảng bá để gia tăng hiệu quả kinh doanh trong cung cấp sản phẩm cho xã hội.

6. Đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Trong chuỗi giá trị sản phẩm, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ tương xứng với giá trị. Đối với sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp thì điều này có ý nghĩa hơn vì chất lượng nông sản đóng góp tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả gia tăng lâu dài và phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm, dịch vụ có vai trò quyết định đến sự sống còn của sản phẩm cụ thể, của địa phương và cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch. Công việc này cần có nhận thức đầy đủ và thường xuyên với sự tham gia của các cấp quản lý, người dân tham gia lao động sản xuất trực tiếp và các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện tốt điều này, các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới khẳng định được thương hiệu và hiệu quả tích cực mới được thể hiện lâu dài.

Trên đây là một số đề xuất để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trong bối cảnh đất nước ta chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, chúng tôi mong rằng sẽ đóng góp cho sự phát triển du lịch nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh./.