PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

line
27 tháng 04 năm 2024

1. Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn

Hiện nay, trên thế giới có nhiều khái niệm về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá thực tiễn hoạt động du lịch tại nhiều quốc gia, đã có nhiều mô hình du lịch khai thác yếu tố môi trường, văn hóa phát triển theo quan điểm bền vững, cộng đồng, sinh thái được triển khai.

Trong khuôn khổ Hội thảo này, du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, nông thôn được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp; khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch.

Để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp  và nông thôn cần phải bảo đảm được các yếu tố sau:

- Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến): là đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, rừng trồng; làng quê, thôn bản, làng chài, miệt vườn... Những điểm đến này luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội, làng nghề truyền thống, nền ẩm thực và các sản vật địa phương gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng... Ngoài giá trị đặc trưng cốt lõi, không gian khai thác phải đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, điện, cấp, thoát nước và kết nối giao thông thuận lợi với các trung tâm, các điểm du lịch khác để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn…

- Chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây chính người dân, cộng đồng địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách.

- Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách: Bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau phục vụ cho sự giao lưu, trải nghiệm, khám phá của du khách với cộng đồng như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa); trải nghiệm học tập (tham quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi...); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại điểm du lịch…). Những hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư chọn lọc và làm nên sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.

- Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: Lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Trong đó, điểm quan trọng nhất là mang du lịch nông nghiệp phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ...).

- Vai trò cầu nối của các công ty lữ hành: Các công ty lữ hành đóng vai trò là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến, định hướng thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chỉ được khai thác hiệu quả khi được nằm trong kế hoạch marketing sản phẩm từ khảo sát, xây dựng, quảng bá, bán, tổ chức thực hiện của các công ty lữ hành.

- Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.

2. Xu hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn

- Xu hướng quốc tế: Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch tiêu thụ và tăng doanh thu cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp đã rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả du lịch và nông nghiệp (Kinh nghiệm từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan). Đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu.

- Đối với Việt Nam:

  • Du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn)
  • Chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch tại nhiều địa phương Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp...; chương trình Mỗi làng một sản phẩm (OCOP); xu hướng đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (như tập đoàn Vingroup, TH True milk, FLC...) là điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển ở hai góc độ tạo thành điểm đến để thu hút khách và thúc đẩy tăng chi tiêu của du khách thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
  • Trên cơ sở lợi thế về tài nguyên (đất nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, lịch sử, truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp), các sản phẩm du lịch sinh thái liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong 5 sản phẩm chủ đạo, có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.
  • Để ứng phó với tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống sẽ là lựa chọn tối ưu.
  • Thị trường khách du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn: Lượng khách có nhu cầu đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày có xu hướng tăng lên, bao gồm khách nội địa và quốc tế.

                               Đối với khách nội địa: Nhu cầu của khách du lịch nội địa đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp là rất lớn. Bao gồm các nhóm gia đình, bạn bè đi nghỉ nhiều lần trong năm vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần; học sinh, sinh viên đi theo các chương trình ngoại khóa học đường; bà con nông dân, các nhà khoa học đi khảo sát, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp Bên cạnh nghỉ dưỡng, học tập, trải nghiệm, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có khả năng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của khách nội địa là rất lớn và là nguồn thu đáng kể đối với hoạt động du lịch nông nghiệp.

                               Đối với du khách nước ngoài, được trải nghiệm, khám phá sự khác biệt của một nền văn hóa thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp tại điểm đến luôn có sức hấp dẫn đối với nhiều du khách nước ngoài đặc biệt từ các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ , Châu Úc...

3. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn hiện nay

3.1. Những đóng góp tích cực

- Hình thành được một hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn trải dài từ Bắc tới Nam. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp các vùng miền độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhiều hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp đã được đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng.

- Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn có sức hút, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng khách: thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%, riêng khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (huyện Củ Chi) với diện tích 88 ha, tập trung các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá kiểng, đào tạo, chuyển giao và du lịch) trong 3 năm qua, lượt khách du lịch đến tăng lên 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017); năm 2017, Quảng Nam đã đón được gần 6 triệu lượt khách, tăng 85.1% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng.

- Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn bước đầu được du khách đón nhận. Một số tour đã trở thành thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình như: Tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế Hội An (Quảng Nam), tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải, Sapa, Pù Luông, Mai Châu…

  • Các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được khai thác một cách sáng tạo để phục vụ du khách. Trong đó khuyến khích xây dựng các phòng cho thuê mang phong cách truyền thống địa phương, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường, người dân sử dụng món ăn, mặc trang phục truyền thống phục vụ khách… Nhiều hoạt động được tổ chức để du khách có thể trải nghiệm trong không gian văn hóa của nền sinh thái văn minh lúa nước như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu....

    - Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Điển hình là dịch vụ homestay (lưu trú tại gia) được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (Quảng Nam, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…). Một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hướng tới tiêu chuẩn 5 sao (hệ thống homestay được tư vấn và quản lý công ty CBT Travel).

  • Các sản phẩm từ ngành nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, được bán và tiêu thụ tại các điểm du lịch (xuất khẩu tại chỗ) đem lại nguồn thu lớn và thuận lợi hơn cho nông dân so với tiêu thụ ngoài thị trường, đồng thời các đặc sản địa phương còn là công cụ quảng bá rộng rãi cho địa danh điểm đến. Khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp.
  • Du lịch sinh thái nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo từ một số địa phương, doanh nghiệp, có thể chỉ ra những đóng góp tích cực của hoạt động du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam trong thời gian qua:
  • Là phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập, sinh kế ổn định cho bà con nông dân, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.
  • Nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút, giới thiệu đến khách du lịch.
  • Tạo ra điểm đến, tour tuyến mới, làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm du lịch, làm giảm áp lực quá tải tại những trung tâm du lịch (Hội An, Quảng Nam), kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của khách du lịch.
  • Sản phẩm nông nghiệp phục vụ trực tiếp trong các nhà hàng, khách sạn và được khai thác phục vụ quảng bá văn hóa thông qua ẩm thực truyền thống.
  • Hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp thông qua truyền thông điểm đến, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch tới khách du lịch.

    3.2. Những hạn chế, khó khăn

    - Về sản phẩm du lịch:

  • Chưa có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp độc đáo, có hàm lượng chất xám cao, chuyên nghiệp. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, nên không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu giữa các địa phương do cùng khai thác một loại hình sản phẩm.
  • Giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, bản sắc, văn hóa truyền thống, sự tinh tế, dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được khai thác có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách.
  • Phần lớn sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở... chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ ngoài tour khác do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách. Mặc dù có nhiều dịch vụ homestay được đầu tư có định hướng rõ ràng, có cam kết về chất lượng dịch vụ nhưng trên thực tế nhiều homestay được khai thác mang tính chất tự phát, nhiều nơi chỉ là phòng ngủ với điều kiện ăn ở đơn giản, dịch vụ đơn điệu, nhếch nhác, lộn xộn, thiếu định hướng về bản sắc dân tộc, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường cảnh quan chung chưa được chú trọng. Một số dịch vụ homestay không duy trì chất lượng dịch vụ như đã cam kết ban đầu, hiệu quả kinh tế chưa cao...
  • Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Công trình nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có nhà vệ sinh.
  • Tình trạng đô thị hóa, nhường đất cho khu dân cư, khu công nghiệp, hoặc các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là những nguy cơ đe dọa sự phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp tại nhiều địa phương.
  • Tính liên kết yếu:
  • Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
  • Về dịch vụ mua sắm trong hoạt động du lịch nông nghiệp: phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp, do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu. Mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch. Hoạt động trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, hướng dẫn làm các loại sản phẩm trên chưa được khai thác nhiều. Khách du lịch thường e ngại về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều mặt hàng nên chi tiêu không nhiều. Những mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao, có tem nhãn dành riêng cho khách lịch, được chứng nhận bởi cơ quan quản lý chưa có nhiều.
  • Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp:
  • Nhiều địa điểm du lịch đang khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch có lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khả năng quản lý điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề còn hạn chế. Việc bồi dưỡng để người dân bản địa có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chuyên nghiệp để tạo ra sức hút của sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
  • Phần lớn nhân lực phục vụ khách trực tiếp tại các làng quê, thôn bản là bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, đi rừng là chính, coi hoạt động du lịch chỉ là mùa vụ tăng thêm thu nhập nên không có ý thức tư duy kinh doanh dịch vụ, bên cạnh đó do hạn chế trình độ nên rất khó bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách (kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ). Đây là một trong những trở ngại nhất, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, do ở bà con vùng sâu, vùng xa, khác biệt về trình độ phát triển, văn hóa, tập quán và ý thức làm việc nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư và vận hành các cơ sở dịch vụ tại vùng nông thôn.
  • Hoạt động xúc tiến quảng bá: hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn nằm trong chương trình quảng bá các sản phẩm du lịch chung chủ yếu dựa trên yếu tố tài nguyên tự nhiên.

    4. Một số vấn đề đặt ra

    - Vai trò phối hợp liên ngành của nông nghiệp, du lịch, công thương

    Ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần phối hợp và triển khai xây dựng Chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có tem nhãn bao bì mẫu mã riêng phục vụ khách du lịch...

    - Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn

  • Để phục vụ cho hoạt động đầu tư sản phẩm du lịch và thu hút đầu tư, ngành du lịch và ngành nông nghiệp các địa phương cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó cần chỉ ra các khu vực như làng văn hóa sinh thái nông nghiệp nào có khả năng cung ứng thành sản phẩm du lịch: chọn lựa các giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa cốt lõi, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để phát triển. Bên cạnh đó, cần đánh giá, ra soát các hoạt động du lịch nông nghiệp đã được triển khai hiện có để có thể mở rộng, nâng cấp thành dự án nhà ở homestay chất lượng cao hơn (Community Lodge); Quy hoạch khu vực có thể đầu tư trở thành các dự án khu du lịch thuần túy nông nghiệp, có không gian và cảnh quan thuận lợi cho thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (Pù Luông Retreat);
  • Việc rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt trong phạm vi vùng và tại từng địa phương, trong đó cần gắn chặt vào quy hoạch và các chính sách phát triển nông thôn mới của ngành nông nghiệp. Ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng.
  • Từ kinh nghiệm của các địa phương cho thấy, tài nguyên du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn rất phong phú nhưng không thể phát triển ồ ạt, “trăm hoa đua nở” mà phải chọn lọc và có đầu tư khoa học bài bản. Để tránh các sản phẩm đơn điệu trùng lắp, việc xác định các sản phẩm chủ đạo, khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, do đó việc định hướng đầu tư khai thác du lịch nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng gắn hoạt động nông nghiệp chủ đạo với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc với các dịch vụ quy mô nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện (homestay). Trong đó, chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái (đồi chè, vườn dược liệu, khu vực canh tác truyền thống, phục dựng cảnh quan, không gian chợ quê...).
  • Du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới những tiêu chí tiết kiệm đầu tư qua việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường, sử dụng sản phẩm và nhân lực tại chỗ. Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới bổ sung các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm có khả năng chữa bệnh, mỹ phẩm tự nhiên, spa...
  • Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp phải đáp ứng nhu cầu thị trường và phải hướng tới sự hài lòng của du khách.

- Về chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn

  • Cần có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp: nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư (quỹ Mekong Capital), quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...)
  • Đối tượng đầu tư cho dịch vụ: Phần lớn, người dân địa phương là chủ đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ, hoạt động homestay. Do đó, người dân địa phương phải là đối tượng đầu tiên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư...
  • Chính sách đầu tư hạ tầng: hạ tầng tại điểm đến cần được đầu tư hoàn chỉnh: hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân...

- Vai trò cầu nối của các công ty lữ hành và phát huy tính liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp

  • Tăng cường kết nối giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp (đơn vị cung ứng) với các công ty lữ hành để tăng khả năng thu hút khách du lịch. Một mặt cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
  • Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng khách, mục tiêu tăng chi tiêu của khách đối với các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại chỗ cần được chú trọng. Trong đó, chi tiêu cho mua sắm hàng hóa là các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được thương mại hóa là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch nông nghiệp. Để làm được điều này cần sự liên kết chặt chẽ của ngành nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch.

- Về vấn đề quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ

  • Không gian điểm đến là yếu tố đầu tiên quyết định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Việc giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc của nền văn hóa nông nghiệp các làng quê Việt Nam, môi trường, cảnh quan, văn minh lịch sự tại các điểm du lịch nông nghiệp là điều đặc biệt quan trọng.
  • Trong việc quản lý điểm đến phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, đặc biệt những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch nông nghiệp. Tại các điểm du lịch nông nghiệp cần có ban quản lý và phải có đại diện là cộng đồng dân cư. Quy chế quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ cần phải được ban hành và giám sát thực hiện. Trong đó, yêu cầu về đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả và sự cam kết thỏa thuận thực hiện giữa các bên liên quan.
  • Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa thông qua bộ quy chuẩn và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành
  • Công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp và du lịch phải đồng hành với bà con nông dân từ khảo sát, tư vấn, xây dựng sản phẩm, tiếp thị và bán hàng

- Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp

  • Chủ thể của hoạt động nông nghiệp là bà con nông dân, do đó để khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp thì việc tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải đặt lên hàng đầu.
  • Việc đào tạo được đội ngũ nhân viên phục vụ là người dân địa phương một cách chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn để phục vụ khách.

- Đầu tư cho truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp

  • Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương (mỗi làng một sản phẩm). Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch nông nghiệp. Đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến khác nhau.
  • Cần xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp của từng địa phương trên cơ sở giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu thị trường.

Để phát triển được các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp hiệu quả cần sự đồng hành của cả cơ quan du lịch, nông nghiệp các cấp, cộng đồng địa phương và các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải được hình thành trên cơ sở từ cam kết đồng hành cùng cộng đồng từ bước khảo sát, xây dựng cho đến việc tiếp thị và bán ra thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải là các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, sử dụng đầu tư vốn ít, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sản phẩm du lịch phải được thực hiện trên cơ sở cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, được quản lý tốt. Bà con nông dân có được thu nhập tốt, sản phẩm du lịch được